(LĐXH) – Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng có xu hướng chuộng hàng Việt, hàng tết năm nay chủ yếu là sản phẩm đặc trưng, vùng miền của cả nước.
Hàng Việt “chiếm sóng” thị trường tết
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, từ ngày 6/12, hệ thống siêu thị đã trưng bày hàng tết. Năm nay, phần lớn hàng hóa là hàng Việt, chiếm hơn 80% toàn hệ thống, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 20%.
Hàng Việt hay sản phẩm “made in Việt Nam” chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú và hiện đại, cộng với việc các doanh nghiệp cũng quảng bá tốt trên nhiều nền tảng giúp người tiêu dùng nhận diện được tốt hơn và lựa chọn mua sắm.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, tại Co.opmart hàng Việt chiếm hơn 90%. Theo bà Dung, người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt là do phù hợp nhu cầu tiêu dùng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Dịp này, các giỏ quà của siêu thị hàng Việt chiếm trên 90%, với sản phẩm đặc sản địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh Tùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (Foodmap), đơn vị phân phối nông sản, 2 năm trở lại đây, người tiêu dùng ngày càng đón nhận sản phẩm nông sản đặc sản.
Năm nay, sản phẩm giỏ quà tết của Foodmap có tới 95% là hàng nội địa, trong đó, một số sản phẩm đặc sản như kẹo dẻo xương rồng, macca Lâm Đồng hay rượu chanh giấy Tây Bắc, trà ô long Mộc Châu…
“Với niềm tin đối với hàng Việt, tôi tin sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam sẽ tiếp tục được đón nhận. Dự kiến sản lượng hàng tết của Foodmap sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ”, ông Tùng bày tỏ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.
Trên sàn thương mại điện tử hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm OCOP đang được đón nhận tích cực, thông qua các phiên livestream bán hàng cùng người nổi tiếng.
Chủ động nguồn cung, không để khan hàng, sốt giá
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp tết, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Tương tự, Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng hóa trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ người tiêu dùng dịp trước, trong và sau tế. Trong đó, doanh nghiệp dành hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Các doanh nghiệp dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thuỷ hải sản…
Dịp tết năm nay, người dân TPHCM có thể tiếp cận hàng ngàn đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền trên cả nước thông qua nhiều hệ thống phân phối như Coopmart, GO!, BigC, Top Market, Satra, MM Mega Market.
Để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cung – cầu hàng hoá trong dịp Tết, Bộ Công Thương có chỉ thị đề nghị sở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường.
Đồng thời, cung cầu mặt hàng thiết yếu… để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung – cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá trong dịp tết.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 155
nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/tien-luong-tien-cong/san-pham-viet-len-ngoi-tren-ke-hang-tet-20241226132410293.htm