TP – Trước sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và du khách trong hai tuần đầu vận hành, TPHCM đang gấp rút kết nối tuyến metro số 1, TPHCM với mạng lưới giao thông đường thủy và xây dựng văn hóa metro để không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sự trải nghiệm của hành khách sử dụng metro.
TP – Trước sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và du khách trong hai tuần đầu vận hành, TPHCM đang gấp rút kết nối tuyến metro số 1, TPHCM với mạng lưới giao thông đường thủy và xây dựng văn hóa metro để không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sự trải nghiệm của hành khách sử dụng metro.
Hành khách lên metro TPHCM. Ảnh: H.H |
Kết nối giao thông đường thủy
Đại diện Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM (HURC1, đơn vị vận hành) cho biết, tuyến metro số 1 TPHCM (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên) vừa vượt qua mốc 2 tuần kể từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 22/12/2024.
Với chính sách giảm giá vé 100% trong tháng đầu tiên, số lượng hành khách đi metro trong hai tuần đầu tăng 300% so với kế hoạch. Đã có 200 chuyến tàu mỗi ngày phục vụ hành khách. Trong đó kỷ lục phục vụ các ngày 31/12/2024 có 220 chuyến tàu từ 5 giờ đến 23 giờ (tăng thêm 1 giờ so với lịch trình hoạt động hàng ngày) và ngày 1/1/2025 có 246 chuyến tàu, tăng cường đến 2 giờ sáng.
“Hàng trăm ngàn lượt hành khách đã sử dụng metro hàng ngày. Cao điểm vào ngày Tết Dương lịch 1/1/2025, số lượng hành khách tăng đột biến với 275.144 lượt” – đại diện HURC1 cho hay.
Để thu hút khách, TPHCM đang xem xét các phương án tăng cường kết nối giao thông với tuyến metro số 1. Mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho Cty TNHH Thường Nhật (Cty Thường Nhật) đầu tư xây dựng, khai thác tạm một bến thủy nội địa ven sông Sài Gòn, tiếp giáp khu đất cạnh ga Ba Son của tuyến metro số 1.
Theo đó, bến tàu nội địa này chỉ vận chuyển, phục vụ các phương tiện đường thủy cập bến đưa – rước hành khách, không neo đậu phương tiện thủy trong phạm vi vùng nước hoạt động bến. Bến thuỷ này được hoạt động, khai thác tạm thời cho đến khi TPHCM có yêu cầu giải tỏa di dời.
Thực hiện phương án trên, UBND TPHCM đã giao Sở GTVT phối hợp UBND quận 1 cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn Cty Thường Nhật xây dựng tạm bến thủy nội địa nói trên.
UBND quận 1 hướng dẫn Cty Thường Nhật thực hiện phương án thiết kế và thực hiện cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh nhà ga Ba Son, bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son đảm bảo mỹ quan đô thị, hài hòa với cảnh quan tại khu vực và công viên bến Bạch Đằng.
Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 (HURC1) cho rằng việc bổ sung bến tàu Ba Son là cần thiết. Từ việc hình thành bến tàu sẽ tạo khả năng kết nối giao thông thủy, giúp hành khách có thể tiếp cận các dịch vụ vận tải đường thủy và hình thành điểm trung chuyển đa phương thức, tập trung nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy các loại hình dịch vụ du lịch…
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo – Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Sở GTVT TPHCM cho biết, bên cạnh 17 tuyến xe buýt điện thu gom kết nối trực tiếp tại các nhà ga metro, hệ thống xe buýt hiện nay có 44 tuyến xe buýt hiện hữu (30 tuyến đã phù hợp tiếp cận, kết nối; 14 tuyến điều chỉnh kết nối) tiếp cận được các nhà ga của tuyến metro số 1, nâng tổng số các tuyến xe buýt có thể tiếp cận tuyến metro số 1 lên 61 tuyến.
Tại khu vực các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái có 5 bãi giữ xe có cầu đi bộ kết nối vào nhà ga với tổng diện tích 5.077m2 phục vụ cho các tuyến xe buýt kết nối. Bãi giữ xe cá nhân có tổng sức chứa khoảng hơn 2.000 xe 2 bánh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cũng đầu tư bổ sung mới 23 nhà chờ xe buýt tiếp cận các nhà ga trên trục Xa lộ Hà Nội – Võ Nguyên Giáp và 230 điểm dừng cho các tuyến buýt mở mới.
“Để tăng cường kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng với tuyến metro số 1, ngoài hệ thống xe buýt nêu trên, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tham mưu triển khai các phương thức vận tải hành khách công cộng khác kết nối trực tiếp tại khu vực các nhà ga, như: xe đạp công cộng, xe điện (xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện), taxi, xe công nghệ bốn bánh – hai bánh nhằm tăng sự tiện lợi cho người dân, du khách khi sử dụng metro”.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo –
Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM
Vì môi trường giao thông văn minh
Theo đại diện HURC1, bên cạnh những tín hiệu tích cực, đội ngũ vận hành đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong 2 tuần đầu vận hành, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sự trải nghiệm của tất cả hành khách.
Các trường hợp thường xuyên vi phạm bao gồm: vi phạm quy định về cửa và vạch cảnh báo an toàn. Nhiều hành khách không xếp hàng tại lối vào, thang cuốn và tàu, gây mất trật tự và ảnh hưởng đến hành khách khác. Có trường hợp chen lấn, xô đẩy để nhanh chóng lên/xuống tàu, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cùng với đó là các hành vi, như: hành khách sử dụng thang máy của đối tượng ưu tiên không đúng mục đích; mang đồ ăn, thức uống và thú cưng vào ga; sử dụng thiết bị chụp hình và hành vi chụp ảnh không an toàn và chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung…
“Đội ngũ vận hành mong muốn tất cả hành khách sử dụng metro hãy tiếp tục tuân thủ các quy định, xây dựng và giữ gìn văn hóa metro vì một môi trường giao thông văn minh, hiện đại và an toàn hơn”- HURC1 cho hay.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cho biết, dọc tuyến tàu điện metro số 1, ngoài bãi giữ xe 2 bánh tại các nhà ga trên cao, trung tâm đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5 bãi giữ xe 2 bánh cá nhân thuộc dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1” để người dân dễ dàng sử dụng tàu điện đi lại, dần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng hàng ngày.
Nguồn: https://tienphong.vn/xay-dung-van-hoa-metro-post1708009.tpo