GĐXH – Củ sen có chỉ số đường huyết GI thấp, thích hợp với người bệnh tiểu đường bởi hàm lượng chất xơ trong củ sen cao, giúp hỗ trợ tiêu hóa và tạo cảm giác no hơn, nhờ đó giảm lượng tiêu thụ thực phẩm…
Người bệnh tiểu đường ăn củ sen có tốt không?
Về chỉ số đường huyết của củ sen thì đây là loại củ có chỉ số Gl (chỉ số đường huyết thực phẩm) là 33 và tải lượng đường huyết là 3, khiến nó trở thành thực phẩm có chỉ số GI thấp. Với cơ thể, thực phẩm có giá trị GI thấp sẽ được tiêu hóa và hấp thụ chậm, trong khi thực phẩm có giá trị GI cao sẽ được hấp thu nhanh chóng.
Về công dụng kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ “tồn đọng” mỡ máu, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn củ sen vì hàm lượng chất xơ cao làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể thông qua việc giảm quá trình tiêu hóa carbohydrate. Ngoài ra, củ sen còn tăng cường chuyển hóa lipid, giảm hấp thu chất béo và chứa 4,9 gam chất xơ, có thể đáp ứng tới 27% nhu cầu chất xơ hàng ngày của bạn, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong củ sen giúp hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, và cảm giác no hơn, nhờ đó giảm lượng tiêu thụ thực phẩm.
Tuy nhiên, củ sen cũng chứa hàm lượng tinh bột tương đối, (khoảng 150 gam củ sen tươi nấu chín có lượng calo tương đương ½ bát cơm). Vì vậy, người bệnh tiểu đường nếu ăn củ sen cần chú ý giảm lượng thực phẩm chủ yếu như cơm, bánh mì, tinh bột… phù hợp để kiểm soát đường huyết của mình.
Lợi ích của củ sen đối với người bệnh tiểu đường
Theo Y học cổ truyền, củ sen có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ Phế, bổ Tỳ, cầm máu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng củ sen sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cao, mang đến nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe người sử dụng.
Các chất dinh dưỡng trong củ sen bao gồm: Protein, carbohydrate, chất xơ, các vitamin nhóm B, vitamin C, canxi, các nguyên tố vi lượng quan trọng như sắt, đồng, magie, mangan, kẽm, kali, phốt pho, natri… Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy trong củ sen còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, các polysaccharide và polyphenol.
Đặc biệt, củ sen mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường, làm gia tăng các nguy cơ bệnh tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Nghiên cứu thực nghiệm bước đầu cho thấy chiết xuất từ củ sen kích thích tụy tăng tiết insulin, giảm đề kháng insulin ngoại vi, giúp ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, củ sen với hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ rất tốt cho người bệnh đái tháo đường có thừa cân, béo phì và rối loạn mỡ máu.
Bên cạnh đó, thành phần natri và kali góp phần điều hòa nhịp tim và huyết áp ở mức ổn định. Vitamin C có trong củ sen là một chất chống oxy hóa rất quan trọng duy trì sức mạnh và tính toàn vẹn trong các cơ quan, mạch và da, góp phần hình thành collagen, tăng cường các chức năng miễn dịch cho cơ thể.
Người bệnh tiểu đường ăn củ sen cần biết điều này
Không ăn củ sen sống
Vì môi trường sống của củ sen là bùn đất nên vi khuẩn, các loại giun sán có thể tồn tại trong củ sen sống. Nếu bạn vô tình nhiễm phải chúng khi ăn sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, phù mặt… Do đó, cần nấu chín củ sen trước khi ăn.
Không ăn củ sen cùng củ cải trắng
Củ sen và củ cải trắng đều là thực phẩm có tính lạnh. Ăn 2 thực phẩm này trong một lúc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạnh ở lá lách và dạ dày, dễ gây đau bụng hoặc tiêu chảy.
Không ăn khi bị lạnh bụng
Củ sen sống có tính mát, đối với người tỳ vị kém, bị tiêu chảy, ăn củ sen sống hoặc củ sen lạnh sẽ khó tiêu hóa, khiến triệu chứng lạnh bụng nặng thêm.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/loai-cu-duoc-vi-nhu-nhan-sam-co-chi-so-duong-huyet-thap-nguoi-benh-tieu-duong-nen-an-de-keo-dai-tuoi-tho-172250109095101648.htm