Tin tức đáng chú ý: Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ ‘VICEM lỗ cả nghìn tỉ’; TP.HCM xử mạnh tay xe dù bến cóc; Nhiều ngân hàng lo nợ xấu khi hết thông tư 02…
Mạnh tay xử “xe dù, bến cóc” dịp Tết
Đó là yêu cầu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM đối với các đơn vị để đảm bảo an toàn giao thông đi lại trong dịp Tết Ất Tỵ.
Cụ thể, sở đề nghị Công an TP.HCM, các quận huyện và TP Thủ Đức rà soát, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý mạnh đối với tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Trong đó tập trung các xe khách hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông trong và ngoài bến xe. Đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động tại những điểm “nóng” bến xe, bãi đỗ xe, nhà ga, cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, phà, cảng hàng không.
Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM cũng cho biết sẽ yêu cầu lực lượng tập trung xử lý 79 “bến cóc” mà Sở Giao thông vận tải TP.HCM “điểm tên” trên địa bàn.
Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ “VICEM lỗ cả nghìn tỉ”
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 186/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phản ánh Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ cả nghìn tỉ.
Trước đó, ngày 15-12-2024, báo chí có tin: “Ông lớn ngành xi măng VICEM lỗ thêm nghìn tỉ”, phản ánh tình hình VICEM lỗ năm thứ hai liên tiếp khi lợi nhuận hợp nhất năm 2024 âm 1.400 tỉ đồng.
Về vấn đề trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát sự việc được phản ánh tại bài báo; làm rõ nguyên nhân VICEM lỗ cả nghìn tỉ và đề xuất hướng khắc phục trong thời gian tới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-1-2025.
Nhiều ngân hàng lo nợ xấu khi hết thông tư 02
Trong báo cáo vừa công bố, Vis Rating – đơn vị xếp hạng tín nhiệm có vốn của Moody’s, cho rằng sau khi thông tư 02 hết hiệu lực từ cuối năm 2024, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Tác động lên kết quả kinh doanh vẫn có thể được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế. Tuy nhiên một số ít ngân hàng, ví dụ VPB, với các khoản nợ tái cơ cấu đáng kể liên quan đến các khách hàng lớn và tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp, sẽ có rủi ro tài sản cao nhất.
Những ngân hàng này vẫn phải đối mặt chủ yếu với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn. Chi phí vốn cũng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng tăng lên để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng…
Trước đó, thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu triển khai vào tháng 5-2023 như một công cụ chính sách nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong kinh doanh và tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Gần hết năm, tín dụng tăng hơn 13,8%, huy động “đuối” hơn
Theo báo cáo kinh tế – xã hội quý 4-2024 do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 25-12-2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82% (cùng thời điểm năm trước tăng 11,48%).
Tính chung tổng phương tiện thanh toán tăng 9,42% so với cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 10,34%; còn huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06%, cùng thời điểm năm trước tăng 11,19%.
Báo cáo cũng cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 4-2024 ước tính tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227.500 tỉ đồng, giảm 0,25% so với năm trước.
Với thị trường chứng khoán, tính đến hết 31-12-2024, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 21.008 tỉ đồng/phiên, tăng 19,5% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.802 tỉ đồng/phiên, tăng 81,1%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 211.346 hợp đồng/phiên, giảm 10,2%.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, yêu cầu các đơn vị đảm bảo công tác khám chữa bệnh, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, giám sát phát hiện sớm dịch bệnh từ cửa khẩu, không để thiếu thuốc, đẩy giá thuốc lên cao… dịp Tết.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị đảm bảo công tác khám chữa bệnh dịp Tết; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh…
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-tuc-sang-9-1-lam-ro-vu-vicem-lo-ca-nghin-ti-tp-hcm-xu-manh-tay-xe-du-ben-coc-20250108222743127.htm