Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc triển khai dự án bổ cập khẩn cấp nước, khôi phục sông Tô Lịch là phù hợp với điều kiện thực tế và là nhiệm vụ cấp bách của thành phố. Vấn đề này được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo thực hiện và được nhân dân Thủ đô quan tâm.

phuong an chon 1.jpg
Phương án 1 thiết kế hệ thống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Để bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng cần xây dựng trạm bơm lấy nước từ sông Hồng và hệ thống đường dẫn nước. Trạm bơm được xây dựng ngoài đê trên bờ hữu sông Hồng, dự kiến tại khu vực phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), nằm ngoài hành lang bảo vệ cầu Nhật Tân.

Tuyến ống dẫn nước đi qua đê hữu Hồng – đường An Dương Vương tại vị trí dưới gầm cầu Nhật Tân. Liên Sở Xây dựng, NN&PTNT đã làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) về phương án kỹ thuật, giải pháp qua đê An Dương Vương và vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Về hướng tuyến ống cấp nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra hai phương án.

Phương án 1, Sở Xây dựng dự kiến làm tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.

Trên tuyến Võ Chí Công bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.

Phương án 2, tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đến khu vực Lotte Mall Tây Hồ theo ngõ 685 Lạc Long Quân và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy để vào hồ Tây.

Hà Nội sẽ xây dựng tuyến đường ống dưới lòng hồ Tây để dẫn nước từ hồ Đầm Bảy về sông Tô Lịch tại cống qua đường Hoàng Quốc Việt.

phong an chon 2.jpg
Phương án 2 bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, phương án 1 có ưu điểm là tuyến thẳng, đi độc lập và hoàn toàn trên vỉa hè tuyến đường Võ Chí Công.

Còn phương án 2 có ưu điểm là hướng tuyến thi công ngắn hơn, bổ cập vào hồ Tây và tận dụng được mương TE3 sẵn có.

Liên ngành thống nhất lựa chọn phương án 1, tuyến ống đi thẳng dọc đường Võ Chí Công bổ cập vào sông Tô Lịch tại cuộc họp gần đây.

Về giải pháp kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây là 3,0m3/s; kích thước đường ống dẫn nước đường kính D1200 (bố trí 2 đường ống thép, 1 ống dự phòng có đường kính D1200 đặt trong hộp bằng bê tông cốt thép); dự kiến đặt 3 đập dâng tại vị trí Cống Mọc, cầu Dậu và vị trí trước ngã ba sông Tô Lịch – sông Kim Ngưu.

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.

Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho làm dự án khẩn cấp 550 tỷ đồng ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho làm dự án khẩn cấp 550 tỷ đồng ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 550 tỷ đồng.
Hai giám đốc sở của Hà Nội nêu giải pháp 'hồi sinh' sông Tô Lịch

Hai giám đốc sở của Hà Nội nêu giải pháp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch

Giám đốc Sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, các đơn vị liên quan đang nỗ lực tách nước thải, đồng thời bổ cập nước sông Hồng để tạo dòng chảy, ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch.
Bí thư Hà Nội kỳ vọng đến tháng 9/2025 sông Tô Lịch không còn ô nhiễm

Bí thư Hà Nội kỳ vọng đến tháng 9/2025 sông Tô Lịch không còn ô nhiễm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đánh giá các đơn vị của thành phố đã ‘đôn đáo’ tìm giải pháp để đến tháng 9/2025, sông Tô Lịch không còn ô nhiễm.