Quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD-ĐT công bố ngày 8-1 khiến nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh thở phào vì đã có thể biết môn thi lớp 10 năm nay. Nhưng rồi nhiều người lại lo.
“Cả gia đình tôi hồi hộp mấy tháng nay do năm 2025 con gái lớn của tôi sẽ thi vào lớp 10. Một kỳ thi mà nhiều người cho rằng nó còn khó hơn cả thi đại học nên chúng tôi lo lắng không biết con sẽ thi những môn nào. Khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh, bà xã gọi cho tôi ngay” – anh Phùng Văn Hưng, phụ huynh ở quận 11, TP.HCM, nói.
Chị HOÀNG THỊ PHƯƠNG MAI (phụ huynh ở huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Vui vì không phải bốc thăm thi vào lớp 10
Theo Bộ GD-ĐT, có ba phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, việc thi tuyển sẽ có 3 môn thi/bài thi, gồm toán, ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba. Môn thi (hoặc bài thi) này do sở GD-ĐT lựa chọn.
“Chúng tôi đọc thông tin về tuyển sinh lớp 10 vào giờ ra chơi. Nhiều thầy cô đã reo lên khi xem đến đoạn sở GD-ĐT tự quyết định về môn thi thứ ba. Tức là thoát được cái cảnh bốc thăm theo kiểu hên xui để chọn môn thi hằng năm.
Và chỉ ít phút sau, các phương tiện truyền thông đã đăng tải tiếp thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM chọn ngoại ngữ là môn thi thứ ba khiến nhiều người vỗ tay tán thưởng. Phòng giáo viên của chúng tôi lúc ấy rất náo nhiệt, các thầy cô ai cũng vui mừng” – thầy M., giáo viên môn tiếng Anh ở nội thành TP.HCM, kể.
Không những thế, nhiều giáo viên còn cho biết họ đã đoán trước rằng nếu các sở được tự quyết về môn thi thứ ba thì chắc chắn TP.HCM sẽ chọn môn ngoại ngữ.
“Bởi tôi biết TP.HCM đang trên đà hội nhập mạnh mẽ, thế hệ trẻ không thể không biết sử dụng ngoại ngữ. TP.HCM chọn ngoại ngữ là đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển. Việc Bộ GD-ĐT cho các sở tự quyết môn thi thứ ba cũng là hợp lý vì mỗi địa phương có chiến lược phát triển riêng. Chúng tôi vui mừng vì Bộ GD-ĐT đã lắng nghe góp ý của người dân” – thầy Trần Mạnh Cường, giáo viên môn toán THPT đồng thời cũng có con năm nay thi vào lớp 10, nhận định.
3 năm nữa chuyện gì sẽ xảy ra?
Sau những phút giây vui mừng ban đầu, nhiều phụ huynh đã sững lại với quy định: “Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp”.
Chị Phan Thị Ngọc, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, chia sẻ: “Con lớn của tôi năm nay thi vào lớp 10 coi như thở phào vì cháu sẽ thi toán, văn, ngoại ngữ. Nhưng 3 năm sau đến con út của tôi thi vào lớp 10 thì sao? Bộ không cho phép chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp thì TP.HCM sẽ đổi môn thi nào thay cho môn tiếng Anh? Lòng tôi nặng trĩu lo âu”.
Thầy T.A., giáo viên ở quận 1, TP.HCM, phân tích: “3 năm nữa, dù TP.HCM có chọn môn nào khác thay thế tiếng Anh thì đều bất cập. Các môn còn lại ngoài văn, toán, ngoại ngữ đều thuộc dạng đặc thù. Nếu sử dụng để thi tuyển thì không công bằng.
Ví dụ học sinh có năng khiếu về môn khoa học tự nhiên nhưng phải thi môn thứ ba là lịch sử, địa lý thì rất bất lợi. Hoặc nếu chọn tin học, công nghệ… là môn thi thứ ba thì đa số các nữ sinh sẽ rất vất vả. Như vậy, vô hình trung quy định này sẽ khiến cho học sinh phải đi học thêm nhiều hơn, tạo áp lực nặng nề cho các em hơn”.
Đó là chưa kể quy định “Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31-3 hằng năm” đang gây nhiều bức xúc cho phụ huynh.
Anh Nguyễn Văn Thanh, phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng: “Môn thi thứ ba phải được công bố ngay từ đầu năm học để giáo viên và học sinh chuẩn bị. Không thể kéo dài sự hồi hộp, lo âu, căng thẳng vì phải đoán già đoán non môn thứ ba là môn nào. Bộ GD-ĐT căn cứ vào đâu để ấn định thời điểm công bố môn thi thứ ba là hết học kỳ I?”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM giải thích: “Chúng tôi hiểu Bộ GD-ĐT quy định như trên vì lo học sinh học lệch. Các em biết 3 môn thi rồi thì sẽ bỏ các môn khác. Tuy nhiên, có tình trạng học lệch hay không là do công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, chỉ đạo công tác dạy – học của sở, phòng GD-ĐT chứ không phải do phương pháp thi cử.
Nếu muốn học lệch thì ngay thời điểm cuối học kỳ I, khi công bố môn thi thứ ba là các trường có thể bỏ hết các môn còn lại, chỉ tập trung vào 3 môn thi. Còn nếu công tác chỉ đạo dạy và học chặt chẽ, học sinh không học hết chương trình thì không thể tốt nghiệp THCS, không đủ điều kiện thi tuyển sinh lớp 10.
Do vậy tôi cho rằng quy định 3 năm phải đổi môn thi thứ ba; việc công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I là không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chúng ta dạy học để phát triển năng lực học sinh chứ không chỉ dạy kiến thức như trước. Học sinh cũng không học thuộc lòng mà phải chủ động tìm hiểu kiến thức. Việc quy định về môn thi thứ ba này thật ra chỉ là phần ngọn chứ không giải quyết được gốc rễ của tình trạng học lệch”.
Bài thi tổ hợp: nên hay không?
Theo Bộ GD-ĐT, việc thi tuyển vào lớp 10 sẽ có 3 môn thi, bài thi gồm: toán, ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba. Môn thi (hoặc bài thi) này do sở GD-ĐT lựa chọn.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Như vậy, các sở GD-ĐT có thể chọn môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng bài thi tổ hợp là một phương án hay, về lâu về dài cần sử dụng bài thi tổ hợp để đánh giá toàn diện học sinh, góp phần vào việc triệt tiêu tình trạng học tủ, học lệch trong một bộ phận nhà trường.
Nhưng với giai đoạn như hiện nay thì cần nghiêm túc cân nhắc. Bởi việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều bất cập, công tác đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn chưa đồng bộ, nhiều giáo viên vẫn còn quen với cách truyền thụ một chiều, nhiều học sinh vẫn chưa quen với cách học tư duy, chủ động.
Chưa kể công tác kiểm tra, đánh giá tại các trường THCS cũng vẫn chưa thực sự đổi mới theo đúng tinh thần của chương trình mới. Việc sử dụng bài thi tổ hợp quá sớm rất có thể sẽ tạo thêm gánh nặng cho giáo viên, tạo thêm áp lực học hành, thi cử cho học sinh.
Vẫn tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6
Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trước thắc mắc, băn khoăn liệu một số trường THCS của TP.HCM có tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026 nữa không trong khi quy chế tuyển sinh THCS của Bộ GD-ĐT chỉ có một phương thức duy nhất là xét tuyển.
“Bộ GD-ĐT cho phép Sở GD-ĐT quyết định về tiêu chí xét tuyển vào lớp 6. Như vậy, việc xét tuyển có thể thực hiện dựa trên căn cứ: điểm kiểm tra của học sinh ở bậc tiểu học hoặc điểm bài khảo sát.
Đối với trường hợp số học sinh dự tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh như Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa và một số trường THCS khác thì dự kiến mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đề xuất UBND TP tổ chức khảo sát, tuyển sinh vào lớp 6″ – ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định.
Được biết năm học 2024-2025, TP.HCM có 6 trường tổ chức khảo sát để tuyển sinh lớp 6 là Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1); Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn); Trường THCS Hoa Lư, Trường THCS Bình Thọ và Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức); Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuyen-sinh-lop-10-chot-mon-thi-nam-nay-lo-3-nam-toi-chuyen-gi-se-xay-ra-20250108230053316.htm