Sau gần 2 năm trùng tu, sửa chữa, di tích Chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) đã khoác lên mình tấm áo mới, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến phố cổ Hội An.
Chùa Cầu (tên khác là cầu Lai Viễn) là công trình kiến trúc duy nhất của người Nhật còn sót lại trên mảnh đất phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngày nay. Đây được xem là biểu tượng gạch nối “giữa quá khứ và hiện tại” trong mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản từ hàng trăm năm qua.
Chùa Cầu có kiến trúc hết sức độc đáo. Chùa được xây dựng trên một chiếc cầu bằng gỗ dài khoảng 18m, vắt ngang một lạch nước sâu chảy ra sông. Giữa cầu là lối thẳng cho xe ngựa qua lại, hai bên là hai lối cuốn lưng lừa dành cho khách bộ hành. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều được sơn son và chạm trổ rất tinh vi với nhiều họa tiết rất đẹp mắt, trong chùa có tượng Bắc đế cưỡi con cầu long. Ở hai đầu cầu, một bên có hai tượng chó, một bên có hai tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa.
Theo thông tin từ lãnh đạo thành phố Hội An, trải qua hơn 400 năm tồn tại, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Dù trải qua 7 lần sửa chữa, chùa Cầu vẫn trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên cần giải pháp trùng tu toàn diện.
Vào cuối năm 2022, dự án đại trùng tu Chùa Cầu được Tỉnh Quảng Nam triển khai với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Có thể nói đây là lần trùng tu theo phương pháp hạ giải quy mô, bài bản nhất.
Ghi nhận của phóng viên Thời báo VTV vào sáng 28/7, di tích chùa Cầu ở phố cổ Hội An vẫn đang tiếp tục được trùng tu, thi công những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành vào ngày 2/8 sắp tới.
Hiện tại, phần khung sắt và mái tôn bao bọc xung quanh chùa đã được tháo dỡ sau thời gian trùng tu.
Toàn bộ các hạng mục trùng tu gồm: hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình… đã được hoàn thành.
Di tích Chùa Cầu được khoác lên mình tấm áo mới với lớp sơn màu đỏ, màu sắc này đã tồn tại từ trước năm 1985 – thời điểm Chùa Cầu được công nhận là di tích cấp quốc gia
Phần kết cấu gỗ của chùa được gia cố bằng những cây gỗ mới. Việc bố trí đan xen này được cho là khá hài hòa giữa việc dùng các cây gỗ mới và phần gỗ còn tốt được giữ lại tối đa.
Sau một thời gian phải dừng việc thi công vì tranh cãi về sàn Chùa Cầu “cong hay thẳng”. Đến nay sau khi trùng tu sàn Chùa Cầu vẫn giữ nguyên mặt sàn cong.
Những mái ngói âm dương cũ đã được thay thế bằng những viên ngói mới.
Các họa tiết trang trí trên mái ngói sau trùng tu.
Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ, góp phần làm nên một Hội An xứng tầm Di sản văn hóa thế giới. Chùa Cầu được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia năm 1990. Hình ảnh Chùa Cầu được in trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam.
Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/ngam-dien-mao-moi-cua-chua-cau-hoi-an-sau-gan-2-nam-trung-tu-20240728152658232.htm