Có nhà văn ví von, ngẫm mà đau: Nếu như đọc tác phẩm “Lều chõng” của cụ Ngô Tất Tố mới thấu hiểu nỗi thống khổ, nhọc nhằn của các sĩ tử thời phong kiến; còn đọc một số đề thi dành cho học sinh phổ thông thời “4.0” cũng thấy thương các em bị “hành” bởi những câu hỏi quá sức với lứa tuổi học trò.
Chả là mới đây, dư luận xôn xao về độ khó của đề thi chọn học sinh năng khiếu môn Ngữ văn lớp 7 ở một huyện trung du tỉnh Phú Thọ. Câu hỏi thi như sau: “Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên”.
Ảnh minh họa: TTXVN
Dư luận than phiền: “Đề thi khó như thi cấp quốc gia”, “học sinh lớp 12 chưa chắc làm được”, “mới thoạt đọc cứ nghĩ là đề thi đầu vào thạc sĩ chứ không phải đề thi dành cho lứa tuổi U13”… Còn PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Ngữ văn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã bày tỏ băn khoăn, trăn trở đến mức “không ngủ được cả đêm, không hiểu được vì sao họ lại ra đề ngữ văn cho học sinh lớp 7 như thế, dù là để chọn học sinh giỏi”. Thậm chí, chuyên gia này thẳng thắn cho rằng, giả sử cháu ông học lớp 7 mà làm được đề thi này và được công nhận là học sinh giỏi năng khiếu cấp huyện, hoặc là cháu ông chỉ có thể là đứa tâm thần, hoặc chỉ học gạo, học thuộc lòng những gì cô giáo dạy và chép lại mà thôi.
Quả thật, dù yêu mến văn chương đến mấy, thích học môn Ngữ văn đến mức nào thì những cô bé, cậu bé ở lứa tuổi 12-13 cũng khó có thể cảm nhận, hiểu biết, phân tích được một câu nói mang tính học thuật, triết lý như vậy. Thế nên, có thể nói rằng, cách ra đề này vừa không phản ánh tính chất khoa học của một đề thi học sinh giỏi, vừa bộc lộ sự ảo tưởng của những người ra đề muốn “đãi cát tìm vàng”, nhưng lại rất khó để tìm được “vàng ròng, vàng thật”.
Thực ra, những loại câu hỏi khó như đánh đố người học, người thi ở bậc phổ thông tương tự như câu hỏi trên không phải là hiếm. Nó là hệ quả dai dẳng của một lối giảng dạy, truyền đạt kiến thức một chiều, thiên về tầm chương trích cú, nặng về kiến thức hàn lâm, mà không thật sự chú trọng khơi gợi, kích thích, khích lệ người học, người thi quan tâm khai thác những khía cạnh thiết thực phục vụ cuộc sống, làm giàu tri thức, bản lĩnh, sáng tạo cho bản thân.
Cách ra câu hỏi cao siêu, trừu tượng, không phù hợp với khả năng nhận thức, khả năng cảm thụ của học sinh khiến các em muốn học “tốt”, đạt kết quả “giỏi” môn Ngữ văn chỉ còn bằng cách học tủ, học vẹt, học gạo, học những bài văn mẫu được giáo viên “bật đèn xanh” trước. Thực trạng này tồn tại suốt bao năm qua ở bậc học phổ thông đã được nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra, cảnh báo và chính lãnh đạo ngành giáo dục cũng từng ra văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh, nhưng tiếc thay, nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn “nhắm mắt làm ngơ”!
Một trong những mục đích cơ bản của môn Ngữ văn chương trình THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) là giúp học sinh biết trình bày văn bản rõ ràng, mạch lạc, đúng mục đích và mục tiêu cao hơn là yêu tiếng Việt, thích cái đẹp, cái thiện, có hứng thú học tập. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh có tâm lý ngại/chán học môn Ngữ văn một phần vì cách giảng dạy xa rời thực tế, sử dụng từ ngữ sáo mòn, thiếu hơi thở cuộc sống; mặt khác, giáo viên lại có biểu hiện áp đặt học sinh phải “tuân theo” lối nghĩ như mình và cách cảm thụ “chuẩn” như bài văn mẫu. Thế nên mới xảy ra những chuyện cười ra nước mắt khi có học sinh lớp 10 thi đạt điểm giỏi môn làm văn vì viết theo bài mẫu, nhưng lại không thể trình bày đầy đủ, mạch lạc, trọn vẹn một văn bản như tường trình, kiểm điểm của cá nhân khi giáo viên yêu cầu! Đây cũng là căn nguyên sâu xa dẫn đến một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên thời nay đã không “văn hay, chữ tốt”, mà lại còn viết sai chính tả, viết ẩu bản thảo vô tội vạ.
Còn những câu hỏi thi như đánh đố, còn những cách ra đề thi với nội dung cao siêu, trừu tượng thì không bao giờ chấm dứt được nạn học vẹt, học tủ, học gạo, học chỉ để lấy điểm cao, thi cốt đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đây chính là biểu hiện nổi cộm của “bệnh thành tích” trong giáo dục mà chúng ta không thể không kiên quyết chấn chỉnh, đẩy lùi, loại bỏ.