Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và cả nước. Khu di sản bao gồm Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và trục chính tâm Hoàng thành Thăng Long đã tạo thành một quần thể thống nhất, là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long – Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.
Toàn bộ khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành-nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử thăng trầm của kinh đô Thăng Long. Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng những di tích và dấu tích còn nằm sâu trong lòng đất vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Những giá trị đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, dân tộc mà còn mang ý nghĩa và giá trị nổi bật toàn cầu. Bởi nơi đây đã diễn ra sự giao thoa các giá trị văn hoá của Phương Đông và thế giới; là trung tâm chính trị, văn hoá, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài từ đầu thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, đồng thời liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng, các giá trị biểu đạt văn hoá, nghệ thuật của quá trình hình thành, phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ.
Hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn, phong phú các loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là di sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam và trở thành tài sản chung của nhân loại.
Di tích Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội)
Di tích Đoan Môn
Di tích nền điện Kính Thiên
Di tích Hậu Lâu
Di tích Chính Bắc Môn
Di tích Nhà cách mạng D67
Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Nguồn: https://special.nhandan.vn/congtrinhkientructieubieu/index.html