Kinh tế Việt Nam tăng tốc, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2024, giúp quy mô GDP có thể vượt Singapore sớm hơn so với các dự báo của quốc tế. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh và kỳ vọng sớm lọt nhóm nước thu nhập trung bình cao.
Tăng vượt dự báo, chờ một cú vượt Singapore
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), GDP của Việt Nam năm 2024 chính thức tăng 7,09% so với năm trước, vượt mục tiêu 6-6,5% Quốc hội đề ra, qua đó đưa quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt trên 11,5 triệu tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD.
Con số này vượt xa so với mức ước tính 450 tỷ USD của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh) đưa ra trong tuần cuối năm 2024. CEBR cho rằng, quy mô GDP năm 2024 đạt 450 tỷ USD, tăng một bậc so với năm trước lên thứ 34 trên thế giới và sẽ vượt Singapore vào năm 2029. Vào năm 2029, GDP của Việt Nam được dự báo sẽ lên mức 676 tỷ USD, trong khi Singapore là 656 tỷ USD.
Với quy mô GDP thực tế trong năm 2024 được Chính phủ Việt Nam công bố hôm 6/1 cao hơn ước tính của CEBR hơn 26 tỷ USD, cùng với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 sẽ bứt phá, đạt 8% thậm chí “2 con số”, khả năng GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore sớm hơn so với dự báo vào năm 2029 mà tổ chức của nước Anh đưa ra.
Trong báo cáo, CEBR cho rằng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình dự kiến 5,8%/năm trong 5 năm tới. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam.
Theo đại diện GSO, tốc độ tăng trưởng GDP mạnh trong năm 2024 là tiền đề quan trọng cho năm 2025 tăng tốc và về đích. Kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý…
Khi nào thu nhập người dân thuộc nhóm trung bình cao trên thế giới?
Cũng theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
Đây là một con số ấn tượng so với năm 2023 và có thể giúp người Việt sớm lọt thu nhập trung bình cao trên thế giới.
Theo Ngân hàng Thế giới – World Bank (WB), với phân loại mới nhất áp dụng cho năm 2023-2024, Việt Nam chưa lọt nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao (upper-middle income).
Hiện WB phân loại thu nhập người dân trên thế giới dựa trên tổng thu nhập quốc dân (GNI) trung bình đầu người.
Theo phân loại mới, tính từ 1/7/2023-1/7/2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia (GNI) sẽ thuộc nhóm thu nhập trung bình cao (upper-middle-income) nếu ở khoảng 4.516-14.005 USD/người.
Hiện chưa có số liệu GNI bình quân của Việt Nam trong năm 2024, do vậy chưa biết liệu đã lọt nhóm thu nhập trung bình cao hay chưa.
Trong năm 2023, theo WB, GNI trung bình của Việt Nam là 4.180 USD/người. Trước đó, năm 2022 là 4.020 USD và năm 2021 là 3.590.
Giả sử mức tăng GNI cũng đạt mức 7%, thì GNI trung bình sẽ tăng thêm 292 USD lên 4.472 USD/người. Và như vậy, Việt Nam chưa thuộc nhóm thu nhập trung bình cao.
Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ lọt nhóm nước thu nhập trung bình cao trong năm 2025.
Theo tính toán của CEBR đưa ra vào cuối năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo sức mua tương đương (PPP) trong năm 2024 đạt mức 16.193 USD và được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Còn tính theo GDP/đầu người, theo CEBR, Việt Nam vẫn xếp ở mức khá thấp so với khu vực. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, và Indonesia. Trong năm 2024, thứ hạng cũng chưa có thay đổi.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-6 về GDP bình quân đầu người, đạt 6.140 USD/người, xếp sau Singapore (97.316 USD/người), Malaysia (17.121 USD/người), Thái Lan (9.480 USD/người) và vượt qua Indonesia (6.125 USD/người), Philippines (4.801 USD/người).
Nhiều người kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng nhanh trong các năm tới nhờ làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Thu nhập người dân Việt Nam cũng sẽ tăng nhanh và sẽ sớm lọt top thu nhập trung bình cao.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/kinh-te-tang-toc-viet-nam-co-da-thang-hang-len-nuoc-thu-nhap-trung-binh-cao-2360752.html