(Dân trí) – Thấy vợ chồng con trai bí mật đưa cháu nội 7 tháng tuổi từ Nhật Bản về nhà ăn Tết, bà Chinh vỡ òa, đánh mạnh hai tay vào đùi vì “không dám tin là sự thật”.
Bà nội rơm rớm khóc khi gặp lại cháu trai
Cuối tháng 12/2024, vợ chồng Khắc Quý – Ngọc Trâm (lao động Việt sống tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản) lên kế hoạch đưa con trai về Việt Nam ăn Tết.
Trước đó, cặp đôi đã mua vé máy bay, dự kiến về Việt Nam vào ngày 26 Tết do cố chờ lịch tiêm chủng vào cuối tháng 1 của con là bé Sushi (tên thật Nguyễn Khắc Kỳ Thiên, 7 tháng tuổi).
“Ông bà nhớ cháu, ngày nào cũng gọi nói “nhớ, muốn ôm cháu vào lòng”, nên chúng tôi quyết định xin bác sĩ dời lịch tiêm và đổi vé, về trước một tháng”, Trâm kể.
Khi đổi vé máy bay, vợ chồng cô không thông báo với gia đình. Vợ chồng lao động Việt xa xứ nói dối bố mẹ “lịch tiêm ở Nhật Bản khó thay đổi”, bí mật về sớm hơn dự định.
Lần đầu đưa con trai về Việt Nam, vợ chồng trẻ chuẩn bị nhiều đồ, trong đó 80kg hành lý toàn đồ của em bé. Cả hai cố gắng sắp xếp hành lý để tiện di chuyển.
Ngọc Trâm đặt mua vé khứ hồi giá 40 triệu đồng cho cả gia đình, đồng thời xin nghỉ trợ cấp chăm con 6 tháng, dự định về Việt Nam đón Tết Nguyên đán xong một thời gian rồi mới quay lại Nhật Bản.
Khoảng 6h ngày 21/12/2024, cô dậy sớm cho con trai ăn sáng, sau đó cả gia đình di chuyển ra sân bay gần nhà. Chuyến bay từ thành phố Fukuoka về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) kéo dài 5 tiếng.
Suốt thời gian đó, bé Sushi không khóc nhè. Tuy ngủ ít, bé trai chơi ngoan trên máy bay, không gây ảnh hưởng đến các hành khách khác.
Khắc Quý nhờ anh trai ra đón gia đình tại sân bay Nội Bài. Cũng phải tới 17h cùng ngày, họ mới về đến nhà ở xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Thấy ô tô vào nhà, bà Chinh (63 tuổi) không nghĩ nhiều, vẫn miệt mài nấu ăn dưới bếp. Khi Ngọc Trâm bế con trai vào trong, em gái và các cháu đứng ở phòng khách đã không giấu được bất ngờ. Cô vội ra hiệu mọi người giữ im lặng, rồi bế con ra sau bếp tìm mẹ chồng.
Bà Chinh ngồi nhặt rau chưa hay biết gì. Khi Trâm cất tiếng gọi, bà quay sang, bất ngờ thấy con dâu và cháu nội 7 tháng tuổi trước mặt. Người mẹ vỡ òa, đánh mạnh hai tay vào đùi vì “không dám tin là sự thật”. Bà rơm rớm nước mắt, liên tục “mắng yêu” con trai lẫn con dâu vì về nhà mà không báo trước.
Tan làm về nhà, ông Kiếm (67 tuổi) “sững người” khi thấy cháu nội đứng chờ trước cửa nhà. Ông luống cuống ôm cháu trai, hỏi han vợ chồng Quý đủ thứ chuyện.
“Bình thường chỉ có 2 ông bà ở nhà với nhau, nay có cháu nội về chơi nên cả nhà vui lắm. Ông nội bảo rất hạnh phúc, sáng cháu dậy tiễn ông đi làm, chiều đứng cửa đón ông về. Ông bà suốt ngày quấn quýt với cháu thôi”, Ngọc Trâm kể.
Sắp xếp thời gian và công việc để Tết được đoàn viên
Năm 2016, Ngọc Trâm sang Nhật Bản du học. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ở lại làm việc.
Khắc Quý tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, rồi qua Nhật Bản làm kỹ sư vào năm 2017. Hai năm sau, anh quen Trâm trong dịp Tết Nguyên đán được tổ chức cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Cặp đôi kết hôn vào tháng 6/2023 và chào đón con trai đầu lòng là bé Sushi 1 năm sau. “Thời điểm đó, chúng tôi bảo lãnh ông bà nội, bà ngoại sang Nhật Bản chơi, thăm cháu 2 tuần”, Trâm cho hay.
Vợ chồng cô thường về Việt Nam vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết. Đây là lần thứ hai họ về thăm nhà và là lần đầu bé Sushi được ăn Tết Việt Nam.
4 năm trước, Khắc Quý cũng bí mật về đón Tết với gia đình. Vợ chồng ông Kiếm đã xúc động và bật khóc khi trông thấy con trai. Lần này, Ngọc Trâm muốn ghi lại trải nghiệm ý nghĩa này khi gia đình nhỏ có thêm thành viên.
“Về nhà bất ngờ chúng tôi mới thấy được những khoảnh khắc đáng nhớ, mới biết được ông bà vui và mong con cháu như thế nào”, cô nói.
Ngoài đón Tết ở quê nội, Ngọc Trâm dự định đưa con trai về thăm quê ngoại ở Nghệ An bằng xe giường nằm. Bé trai sẽ được trải nghiệm các hoạt động Tết như: mặc áo dài, chụp ảnh, đi chợ Tết cùng gia đình và tận hưởng không khí giao thừa cùng ông bà.
Đăng tải đoạn video về thăm nhà dịp Tết lên trang cá nhân, Ngọc Trâm bất ngờ nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cô hi vọng lan tỏa niềm vui sum vầy bên gia đình đến mọi người, tiếp thêm động lực với những người con xa xứ “đi để trở về”.
Theo Trâm, dù công việc có bận rộn hay khoảng cách địa lý có xa xôi đến đâu, thì mỗi người con xa quê vẫn luôn hướng về cội nguồn, quê hương. Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, mà còn là thời điểm để trân trọng và gìn giữ những giá trị thiêng liêng nhất của gia đình.
“Khi đã có con nhỏ, tôi càng cảm nhận rõ tầm quan trọng của việc sắp xếp để cả nhà đoàn viên vào dịp Tết. Tiền bạc có thể kiếm lại được, nhưng tình cảm gia đình, sức khỏe của cha mẹ và thời gian trôi qua thì không thể nào mua lại được”, Trâm tâm niệm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/ba-me-phan-ung-dang-yeu-khi-con-bi-mat-dua-chau-noi-tu-nhat-ve-an-tet-20250108180540986.htm