(TN&MT) – Chiều ngày 8/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, kiêm Người phát ngôn của Chính phủ.
Đây là buổi họp báo đầu tiên của Chính phủ trong năm mới 2025, diễn ra ngay trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tham dự buổi họp báo có các lãnh đạo đại diện các bộ, ngành cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn chia sẻ về bầu không khí phấn khởi của những ngày đầu năm 2025, đặc biệt là trong bối cảnh năm nay có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu giai đoạn tăng tốc và bứt phá của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Vào sáng cùng ngày, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ cho năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cùng các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, hiệp hội và doanh nghiệp. Hội nghị đã thảo luận những kết quả đạt được trong năm qua, đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2025.
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, định hướng chiến lược cho Chính phủ và các cấp, ngành trong năm 2025. Theo Tổng Bí thư, trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, sự phối hợp đồng bộ giữa Quốc hội và các cơ quan chính trị, cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, khoa học và linh hoạt. Chính nhờ vậy, nền kinh tế – xã hội đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, vượt mọi mục tiêu đề ra.
Kinh tế phục hồi tích cực, vượt chỉ tiêu
Theo báo cáo tại buổi họp báo, tình hình kinh tế năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP ước tính đạt 7,09%, thuộc nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Các khu vực kinh tế chính, bao gồm nông, lâm, thủy sản, công nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9% so với năm trước.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm và lạm phát được kiểm soát ở mức 2,71%, thấp hơn so với chỉ số CPI chung. Mặc dù thực hiện điều chỉnh giá một số dịch vụ và tăng lương từ tháng 7/2024, nhưng nền kinh tế vẫn ổn định và tăng trưởng tốt.
Một điểm sáng lớn trong năm 2024 là hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, với xuất siêu 24,77 tỷ USD. Du lịch cũng có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm 2023.
Báo cáo cũng cho biết tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt hơn 2,03 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán và 16,2% so với năm 2023. Cùng với đó, nợ công, nợ Chính phủ và bội chi đều thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt hơn 3,69 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2020.
Thúc đẩy hạ tầng, phát triển doanh nghiệp
Công tác phát triển hạ tầng cũng ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể trong năm qua. Hệ thống giao thông và điện lực được đầu tư mạnh mẽ, với việc đưa vào khai thác thêm 109 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài lên hơn 2.021 km. Nhiều dự án điện trọng điểm cũng được hoàn thành đúng tiến độ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế trong tương lai.
Về phát triển doanh nghiệp, năm 2024 có hơn 233 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, vượt xa số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động đạt mức cao nhất từ trước đến nay với trên 76 nghìn doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã chủ động hoàn thiện thể chế, với việc trình Quốc hội thông qua 31 Luật và 42 Nghị quyết, đồng thời triển khai một loạt các hội nghị, tập huấn trực tuyến để đảm bảo luật pháp đi vào cuộc sống.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025: Tăng trưởng bứt phá, ổn định vĩ mô
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin với các cơ quan thông tấn, báo chí về nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 sẽ là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2021-2025 và là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện phương châm hành động: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, đồng thời kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4,5%. Các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp văn hóa sẽ được chú trọng phát triển mạnh mẽ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, bao gồm mở rộng hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, và các dự án năng lượng. Chính phủ cũng sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, như đào tạo kỹ sư bán dẫn.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm đầy thử thách nhưng cũng là thời điểm để Việt Nam bứt phá, hoàn thành các mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2021-2025, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-thang-12-2024-kinh-te-xa-hoi-phuc-hoi-manh-me-dat-nhieu-ket-qua-quan-trong-385454.html