Từ ngày 18/2/2025, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Thiết lập sân chơi bình đẳng
Trước đây, theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Hàng nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ “tràn” vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều |
Tuy nhiên, Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 18/2/2025.
Theo các chuyên gia, việc bãi bỏ miễn thuế đối với hàng giá trị thấp là bước đi tất yếu, không chỉ nhằm tăng thu ngân sách mà còn bảo vệ doanh nghiệp trong nước, góp phần xây dựng một thị trường công bằng, bền vững.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh thì việc đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử cần được thực hiện. Trong bối cảnh sự phát triển của kinh tế số đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh buôn bán qua các sàn thương mại điện tử thì lĩnh vực này cần được khai thác và phát huy hiệu quả.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công Thương về Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg tác động thế nào tới thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam, ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết: “Quyết định có tác động quan trọng đối với thị trường bán lẻ thương mại điện tử tại Việt Nam ở khía cạnh quản lý nhà nước lẫn hoạt động của doanh nghiệp và người tiêu dùng“.
Ông Hoàng Ninh phân tích: Thứ nhất, việc áp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh là một bước tiến trong việc đảm bảo công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất, kinh doanh trong nước. Quy định mới sẽ góp phần thiết lập sân chơi bình đẳng hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững.
Thứ hai, quy định này có thể khiến giá cả hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá cả quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là các sản phẩm có chất lượng tương đương. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, từ góc độ quản lý, quy định mới sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.
Bảo đảm quyền lợi người mua hàng
Giới chuyên gia kinh tế tính toán, trung bình mỗi tháng có khoảng 1,3 – 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế, như vậy bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn thì đó là con số thất thoát rất lớn.
Ngoài ra, cùng một chủng loại hàng hóa nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng nên việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ vô hình chung đã tạo sự chênh lệch giá, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước (do phải nộp thuế giá trị gia tăng), từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước…
Là khách hàng thường xuyên mua hàng trực tuyến, chị Dương Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, “việc áp thuế có thể làm tăng giá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước nhưng đó chỉ là thiệt hại nhỏ trước mắt, lợi ích lâu dài mới là quan trọng“.
Cùng bàn về vấn đề này, giới chuyên gia chia sẻ, khi áp thuế tất cả hàng nhập khẩu sẽ góp phần nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm. Quy trình kiểm tra nhập khẩu sẽ giúp hạn chế hàng ngoại giá rẻ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng sẽ nắm bắt được đầy đủ thông tin, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo quyền lợi mua hàng của mình.
Theo xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử, không chỉ có các sàn đã hoạt động tại Việt Nam mà trong tương lai còn có thể xuất hiện thêm nhiều sàn khác. Từ đó, hàng giá rẻ sẽ càng tràn vào Việt Nam. Như vậy, việc bỏ miễn thuế sẽ góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, việc thống kê, tính toán để thu thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu sẽ không còn quá phức tạp khi ngày càng có nhiều nền tảng công nghệ được áp dụng. Hiện nay, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại nên đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống khai hải quan điện tử nêu trên đã giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng và tạo thuận lợi cho việc quản lý tờ khai hàng hóa hàng ngày với số lượng lớn mà không làm gián đoạn hoạt động thương mại.
Người khai hải quan cũng không cần đến các nơi làm thủ tục hải quan để kê khai qua mạng, từ đó giảm lượng người kê khai do việc làm thủ tục được tiến hành thông qua các đại lý, hãng vận chuyển nên việc quản lý và thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được tiến hành tập trung và nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây.
Năm 2023, tổng hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng. Tương ứng, số thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng sau khi ngừng miễn thuế. |
Nguồn: https://congthuong.vn/thu-thue-hang-nhap-khau-duoi-1-trieu-kinh-doanh-binh-dang-368386.html