(LĐXH) – Bộ Tư pháp vừa có báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và Lao động gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH.
Dự thảo Nghị định này do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng.
Về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp cho hay, theo định hướng tại Kế hoạch số 141 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ GD&ĐT.
Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế; chuyển chức năng, nhiệm vụ về tôn giáo sang Ủy ban Dân tộc; sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bộ Tư pháp cho hay, theo Kế hoạch số 141 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ: “…đối với đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức: Chỉ duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành (gồm: Viện, tạp chí, báo, trung tâm thông tin, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”).
Tuy nhiên, theo Đề án và dự thảo Nghị định, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và Lao động không có trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng phương án sắp xếp này đối với hiệu quả quản lý nhà nước với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Về cơ cấu tổ chức, hiện Bộ Nội vụ có 20 đơn vị; theo định hướng chuyển 2 đơn vị sang Ủy ban Dân tộc và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ còn 18 đơn vị.
Cơ cấu tổ chức của Bộ LĐ-TB&XH gồm 21 đơn vị, theo định hướng chuyển chức năng, nhiệm vụ và đơn vị tương ứng sang Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc thì Bộ LĐ-TB&XH còn 17 đơn vị.
Theo phương án hợp nhất và sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ Nội vụ và Lao động: Hợp nhất 9 đơn vị thuộc 2 Bộ có chức năng tham mưu tổng hợp chung (gồm: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Viện Khoa học tổ chức nhà nước và Lao động, Tạp chí Tổ chức nhà nước và lao động, Trung tâm Công nghệ thông tin).
Hợp nhất, sắp xếp 6 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức lại thành 3 đơn vị thuộc Bộ (gồm: Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Cục An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội).
Duy trì 11 đơn vị gồm 7 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ và 4 đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Kết quả theo phương án này, sau khi hợp nhất, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và Lao động có 23 đơn vị đầu mối, giảm 12 đơn vị (đạt tỷ lệ giảm 35%).
Bộ Tư pháp cho rằng, phương án hợp nhất và sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ Nội vụ và Lao động về cơ bản là hợp lý, bảo đảm tinh gọn, bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18.
Văn Lý
Báo Lao động và Xã hội số 3
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/bo-noi-vu-va-lao-dong-du-kien-giam-12-don-vi-sau-khi-sap-xep-hop-nhat-20250107094947133.htm