Ngày 24/1, tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di sản thành nhà Hồ năm 2020.
Công tác khai quật khảo cổ thành nhà Hồ năm 2020 được tiến hành tại 2 hố khai quật mang ký hiệu 20.TNH.H1 (4.500m2) và 20.TNH.H2 (3.500m2), với tổng diện tích khai quật là 8.000m2. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy: Địa tầng và tầng văn hóa của các hố khai quật xuất hiện các dấu tích kiến trúc, các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ.
Về di tích, đã xác định được 4 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 2 lớp kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc…
Về di vật, đã tìm thấy nhiều loại hình vật liệu kiến trúc, như gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý, Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại thành nhà Hồ. Đồng thời, tại các hố khai quật còn tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần, Hồ và thời Lê Sơ.
Từ kết quả khai quật, ý kiến của các nhà khoa học, khảo cổ học đều thống nhất khẳng định, đây là nguồn tư liệu mới, có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực chính điện và phía Đông thành.
Tại Hội nghị, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO trong bảo tồn di sản. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tham mưu, đề xuất và xây dựng các phương án cụ thể để thực hiện khai quật, bảo vệ, bảo quản các hiện vật nói riêng, di sản.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tim-thay-chinh-dien-thanh-nha-ho-10178536.html