Năm 2024, giao thông vận tải đường sắt bị gián đoạn và thiệt hại nặng nề sự cố sạt lở tại hầm Chí Thạnh, hầm Bãi Gió; ảnh hưởng của cơn bão Yagi, Trà Mi và nhiều đợt mưa lũ khiến hạ tầng hư hỏng nặng. Tuy nhiên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, duy trì đà tăng trưởng, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch và cùng kỳ. Cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật của ngành đường sắt trong năm 2024.
1. Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc với cán bộ, công nhân lao động ngành đường sắt
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình hoạt động và chất lượng phục vụ hành khách tại ga Hà Nội. |
Ngày 9/1/2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tới dự và chỉ đạo Hội nghị Triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024. Tại hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực đổi mới của tập thể cán bộ, công nhân viên lao động ngành đường sắt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện đời sống, việc làm cho người lao động. Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành đường sắt đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và hoàn thiện để phát triển xứng đáng với tầm vóc lịch sử của ngành, niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân”.
Cũng trong năm 2024, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vinh dự được tham gia tháp tùng nhiều đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông vận tải đường sắt.
2. Sản lượng, doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch
Năm 2024, sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, hành khách đi tàu đạt 7,02 triệu lượt, tăng 14,8% so với cùng kỳ; về hàng hóa đạt 5,16 triệu tấn xếp, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đạt gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với kế hoạch và 7,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 220 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Tổng Công ty ước đạt 6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động ước đạt gần 13 triệu đồng/người/ tháng.
3. Hợp nhất 2 công ty vận tải, hoàn thành trước thời hạn phương án tái cơ cấu
Từ ngày 1/11/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đã chính thức đi vào hoạt động. Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 303/TTg-ĐMDN ngày 7/4/2022 và quyết định 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, Tổng Công ty cũng đã hoàn thành việc sáp nhập từ 3 thành 1 Ban Quản lý dự án, thu gọn từ 5 thành 3 Chi nhánh xí nghiệp đầu máy. Trong thời gian tới, Tổng Công ty tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần và thành lập Trung tâm Nghiên cứu- ứng dụng và phát triển đường sắt.
4. Hành trình kết nối di sản miền trung được bình chọn top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng của Huế năm 2024
Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, năm 2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới, kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, lịch sử, văn hóa, di sản như: Khai trương tàu SE21/22 chạy Sài Gòn-Đà Nẵng, Hành trình kết nối di sản miền trung, Hành trình đêm Đà Lạt; tàu charter; phối hợp tổ chức chương trình thời trang “Thanh Xuân” tại Ga Sài Gòn; ra mắt tàu du lịch hạng sang Sjourney; đưa đoàn tàu La Reine (Hoàng hậu) khai thác trên tuyến Đà Lạt-Trại Mát…mang lại những trải nghiệm thú vị và nhận được đánh giá cao từ phía khách hàng.
Đặc biệt, Hành trình kết nối di sản miền Trung được bình chọn top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng của Huế năm 2024, dẫn đầu hạng mục hoạt động-dịch vụ trải nghiệm ấn tượng.
5. Vận chuyển thành công khí thiên nhiên hoá lỏng LNG từ nam ra bắc
Cùng với vận tải hành khách, vận tải hàng hoá cũng có những đổi mới mạnh mẽ, sản lượng hàng liên vận quốc tế tăng so với năm 2023. Bên cạnh tổ chức các đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hoá, nông sản từ ga Sóng Thần sang Trung Quốc; kiên trì mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa với việc khai trương ga Cao Xá, lần đầu tiên, ngành Đường sắt đã vận chuyển thành công khí thiên nhiên hoá lỏng LNG từ nam ra bắc.
Đây là mặt hàng “khó” đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn an toàn trong công tác xếp dỡ, vận chuyển, phòng chống cháy nổ. Qua đó, cho thấy được tính ưu việt của đường sắt trong việc vận tải hàng đặc chủng, hàng siêu trường, siêu trọng, đòi hỏi cao về bảo đảm an toàn và khả năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng.
6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế
Với trọng tâm chuyển đổi số, ngành Đường sắt đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo thuận lợi và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng điển hình như: Triển khai ki-ốt bán vé tự động; dịch vụ tin nhắn chăm sóc khách hàng qua Zalo; bán vé qua bản đồ Google Maps; bổ sung module trên hệ thống quản trị và đưa vào khai thác sàn giao dịch vận tải hàng hoá; thanh toán vé qua Google Pay, Apple Pay, Samsung Pay; wifi miễn phí trên tàu SE21/22 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng các dịch vụ gia tăng trên tàu…
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng tăng cường, mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế với mục tiêu phát huy thế mạnh, tiềm năng và thu hút nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển đường sắt. Chủ động hợp tác với các địa phương, đối tác nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ và chương trình khuyến mại cho khách đi tàu; kết nối di sản bản địa, kết nối dịch vụ, giao thông – chia sẻ để cùng phát triển; hướng tới “1 tấm vé cho cả hành trình”.
7. Chuyển tải an toàn hàng trăm nghìn lượt hành khách, nỗ lực thông tuyến, vận chuyển kịp thời hàng cứu trợ sau siêu bão Yagi
Năm 2024, giao thông vận tải đường sắt chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan thiên tai bão, lũ. Đặc biệt là 2 sự cố liên tiếp gây sạt lở hầm Chí Thạnh và hầm Bãi Gió khiến giao thông vận tải trên tuyến đường sắt bắc-nam bị gián đoạn.
Để khắc phục sự các sự cố này, bên cạnh nỗ lực cùng các đơn vị thi công thông đường đường trong thời gian sớm nhất thì ngành đường sắt còn tổ chức chuyển tải 239 đoàn tàu với 66.242 hành khách bảo đảm an toàn, linh hoạt điều phối giao thông, giảm thiểu thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp đến là cơn bão số 3 – siêu bão Yagi đổ bộ vào nước ta, đã gây thiệt hại nặng nề đến nhân dân các tỉnh phía bắc, trong đó có ngành đường sắt. Với quyết tâm cao nhất, ngành đường sắt đã tập trung huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để thông đường mở tuyến huyết mạch vận chuyển miễn phí kịp thời gần 1.500 tấn hàng cứu trợ của nhân dân cả nước đến đồng bào các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và hàng trăm tình nguyện viên từ Huế, Đà Nẵng lên trợ giúp bà con khắc phục cơn bão số 3.
8. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam với tỷ lệ tán thành cao. Theo đó, đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa.
Đường sắt tốc độ cao là một dự án có ý nghĩa và tác động lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với nhiệm vụ được giao, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao trong tương lai như: xây lắp, đào tạo nguồn nhân lực, cơ khí công nghiệp; vận hành, khai thác, bảo trì.
Cùng với đó là tích cực tham gia công cuộc xây dựng, vận hành, bảo trì đường sắt bao gồm đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch. Trước mắt là tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dự kiến khởi công trong năm 2025.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-su-kien-noi-bat-cua-nganh-duong-sat-nam-2024-post854721.html