Chiều ngày 6/1, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng thư ký kiêm Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Công nghệ. Cùng dự có một số cán bộ của Văn phòng Liên Hợp Quốc tại New York và Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các nội dung xoay quanh Thỏa thuận số toàn cầu và các sáng kiến của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực hợp tác số; chính sách và kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số, triển khai chuyển đổi số và ứng dụng AI; trao đổi về hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực số.

Việt Nam có nhiều câu chuyện chia sẻ về phát triển công nghệ số

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên rất cao đối với phát triển công nghệ số”, thông qua việc Việt Nam nằm trong số các quốc gia đầu tiên phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia.

Vừa qua, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

W-PSX_20250106_151744.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Tổng thư ký kiêm Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Công nghệ Amandeep Singh Gill. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng giới thiệu khái quát về các chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực toàn cầu về AI, chuyển đổi số, chip bán dẫn; cũng như các thành phần cơ bản trong Khung phát triển hạ tầng số Việt Nam do Bộ TT&TT công bố.

Cùng với đó, Bộ TT&TT đang thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển số của thế giới. Khoảng 10% trong số 60.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang có doanh thu từ thị trường quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng rất cao.

Nhấn mạnh Việt Nam có nhiều bài học để chia sẻ với các nước khác về phát triển công nghệ số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin về các thành tựu của Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng số và phổ cập kết nối Internet. Hiện tại, vùng phủ Internet băng rộng di động tiếp cận 99,8% dân số, hầu hết điện thoại người dân đang sử dụng là smartphone, 85% hộ gia đình có đường Internet cáp quang.

Đánh giá cao những nỗ lực và thành công của Bộ TT&TT trong phổ cập kết nối Internet cho người dân, Phó Tổng thư ký Amandeep Singh Gill cho rằng, đây không phải điều mặc nhiên trên toàn cầu. Ông cũng nhận xét, Việt Nam có không gian phát triển công nghệ số vô cùng sôi động, truyền cảm hứng và “chắc chắn, các quốc gia khác sẽ rất muốn được làm việc và học hỏi Việt Nam trên hành trình này”.

Việt Nam muốn đóng vai trò tích cực trong Thỏa thuận số toàn cầu

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai tổ chức tháng 9/2024, Liên Hợp Quốc đã thông qua Thỏa thuận số toàn cầu (Global Digital Compact – GDC). Liên Hợp Quốc cũng thành lập Văn phòng Liên Hợp Quốc về các công nghệ số và công nghệ mới nổi. Theo Phó Tổng thư ký kiêm Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Công nghệ, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc quản trị, quản lý công nghệ và vai trò của công nghệ trong thúc đẩy lộ trình đạt được mục tiêu bền vững mà các quốc gia thành viên đang theo đuổi.

Ông Amandeep Singh Gill nêu ra ba trụ cột chính của GDC, bao gồm: thiết lập tầm nhìn mới để củng cố và đoàn kết toàn cầu trong phát triển công nghệ; thiết lập diễn đàn đối thoại giữa các chính phủ về quản trị dữ liệu, AI; thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển với nhau trong phát triển và quản lý AI.

W-PSX_20250106_152039.jpg
Đoàn làm việc Bộ TT&TT và phái đoàn Liên Hợp Quốc tại trụ sở Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Văn phòng công nghệ số và công nghệ mới nổi của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm triển khai ba trụ cột của thỏa thuận cũng như trên các phương diện như hạ tầng, chính sách, chiến lược, khung, thể chế. Ông Amandeep Singh Gill đề nghị Việt Nam hưởng ứng sáng kiến, tham gia mạng lưới trung tâm năng lực xuất sắc về AI toàn cầu trong khuôn khổ GDC. Mạng lưới phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực AI của các nước đang phát triển, giúp họ xây dựng các hệ thống AI phù hợp với điều kiện và bối cảnh riêng.

“Những quốc gia đang phát triển và có lợi thế đặc biệt như Việt Nam có thể tham gia và trở thành nhóm nước tiên phong vì có câu chuyện đặc thù, phù hợp để chia sẻ”, ông Amandeep Singh Gill nói.

Trước đề nghị của ông Amandeep Singh Gill, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam muốn đóng vai trò tích cực trong chương trình và Liên Hợp Quốc có thể tổ chức các hội nghị, diễn đàn về GDC, quản trị dữ liệu hay AI tại Việt Nam. Bộ trưởng đề xuất Liên Hợp Quốc thúc đẩy phát triển AI dựa trên nguồn mở và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số nói chung, AI nói riêng theo ngữ cảnh khác nhau.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ cách tiếp cận của Việt Nam đối với ứng dụng AI khi phân biệt giữa Public AI và Private AI. Các đơn vị của Bộ TT&TT đang xây dựng AI dùng riêng như một trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức. Trong đó, các hãng công nghệ cung cấp nền tảng, engine, năng lực tính toán, còn tổ chức phụ trách dữ liệu, tri thức và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ TT&TT và Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng có chung quan điểm về thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong phát triển công nghệ số. Theo đó, công nghệ không nên chỉ tập trung trong tay một số quốc gia, doanh nghiệp mà cần mở rộng hơn nữa. Khi ứng dụng công nghệ số, người sử dụng không chỉ đóng vai trò tiếp nhận, thụ hưởng mà còn tham gia vào quá trình phát triển công nghệ đó.

“Nếu nhìn nhận việc ứng dụng AI theo hướng ứng dụng để hoàn thiện công nghệ, vai trò của các nước đang phát triển trong phát triển công nghệ sẽ lớn hơn nhiều… Với công nghệ số, người ứng dụng công nghệ cũng chính là người phát triển công nghệ”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.