Hy vọng trong năm 2025 này, chúng ta sẽ thấy Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa so với năm 2024. Và để điều đó xảy ra, cần có những nỗ lực tiếp tục trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là chia sẻ của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) trong trao đổi với báo giới.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số Đưa thị trường chứng khoán đột phá về quy mô, chất lượng trong năm 2025 |
Từ những kết quả năm 2024, ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam?
Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2024. Với tăng trưởng GDP kỳ vọng khoảng 7% và lạm phát giá tiêu dùng chỉ ở mức khoảng 4% – 4,5% trong năm 2024, điều này là khá tích cực. Việt Nam đang vượt trội so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, đó là một tin tốt. Tuy nhiên, từ góc nhìn của tôi, điều đó vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 8%/năm. Và để điều đó xảy ra, chúng ta cần thấy những nỗ lực tiếp tục trong cải cách thủ tục hành chính, các quy định đạt tiêu chuẩn quốc tế, những rào cản đang kìm hãm hoạt động kinh doanh tiếp tục được gỡ bỏ… Điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn như trong ký kết các hợp đồng, trong giải phóng mặt bằng cho các dự án, trong tiếp cận vốn hay thậm chí là vấn đề đảm bảo cung ứng đủ điện.
Chúng ta cần giải quyết những vấn đề như vậy để người dân Việt Nam có thể thực hiện những gì họ mong muốn và đạt được mục tiêu. Tôi đã sống ở đây 23 năm và tôi thấy rằng người Việt Nam có tinh thần làm việc và khởi nghiệp mạnh mẽ, ai cũng tập trung để phát triển bản thân và gia đình họ nhanh nhất có thể. Vì vậy, tôi hy vọng trong năm 2025 này, chúng ta có thể thấy mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa so với năm 2024.
Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh để thu hút đầu tư?
Thực tế thì cả thế giới đều đang cạnh tranh. Vì vậy, mỗi ngày luôn có một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những người trẻ ở Việt Nam có thể cạnh tranh với những người trẻ trên khắp thế giới, rộng hơn là làm thế nào Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia khác?. Và điều đó không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á mà còn là Mexico, Mỹ, Pháp, hay Nga… Chúng ta sống trong một thế giới toàn cầu hóa, và điều đó làm mọi thứ trở nên thách thức hơn vì tất cả mọi người đều đang cạnh tranh.
Khi nhìn vào Việt Nam, môi trường kinh doanh là công việc hàng ngày của tôi. Tôi tập trung vào các vấn đề ở đây và các giải pháp để giải quyết chúng. Tôi có thể “than phiền” trong nhiều giờ về những điều còn vướng mắc, còn khó khăn ở Việt Nam, nhưng thực tế là khi so sánh Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn nổi trội. Mỗi quốc gia đều có lợi thế riêng, nhưng bạn cũng có thể thấy luôn có các vấn đề chính trị hay xã hội tiềm tàng ở Thái Lan, sự bất ổn chính trị ở Malaysia, hay việc Indonesia mỗi lần tiến một bước thì lại lùi hai bước… Nói cách khác khi nhìn vào Việt Nam với phần còn lại của Đông Nam Á, tôi thấy rằng trong tương lai, một quốc gia nổi bật rõ ràng trong khu vực ASEAN chính là Việt Nam, đất nước có 101 triệu dân thông minh, chăm chỉ và rất kiên cường. Một ví dụ rất cụ thể là vài tháng trước bão Yagi đã đổ bộ vào Việt Nam và ngay sau đó, chúng ta cũng có phiên bản “bão Yagi” khác tại Mỹ. Rõ ràng Mỹ có nhiều nguồn lực hơn Việt Nam để giải quyết các vấn đề như vậy. Nhưng người Việt Nam lại cho thấy sự kiên cường hơn. Người dân Việt Nam linh hoạt hơn khi tiến lên phía trước. Việt Nam đã nhanh chóng tái thiết sau bão, dù quá trình này đối với một số người sẽ còn kéo dài vì thiệt hại rất lớn. Nhưng tôi nghĩ, qua ví dụ đó phản ánh tinh thần của người Việt Nam. Tuy có thể bị lạc đề một chút, nhưng cũng liên quan đến ý câu hỏi của bạn trong so sánh Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam có nhiều lợi thế thành công hơn so với các quốc gia khác.
Việt Nam có vị trí địa chính thuận lợi, tiếp tục nằm ở trung tâm quan trọng về nhân khẩu học trong một khoảng thời gian nhất định nữa. Việt Nam cũng đã tham gia khoảng 16 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam có khả năng tận dụng hệ thống thương mại toàn cầu rộng lớn – điều mà vào cuối những năm 1990, thật khó tưởng tượng ra bởi Việt Nam khi đó còn nằm ngoài hệ thống thương mại toàn cầu và vẫn bị cô lập. Các doanh nghiệp Mỹ, dù họ có thể phàn nàn về nhiều vấn đề mà họ muốn Việt Nam cải thiện hơn, nhưng khi được hỏi muốn kinh doanh ở đâu khác, họ thường trả lời: Việt Nam là nơi kinh doanh tốt hơn cho chúng tôi trong tương lai. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều công ty Mỹ đang chú ý sát sao đến thị trường Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn |
Ông có khuyến nghị nào về cách có thể làm cho môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn?
Tôi nghĩ rằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh tại Mỹ hoặc với các công ty Mỹ, họ nên tiếp tục nâng cao sự hiện diện trực tuyến để đảm bảo khách hàng có thể tìm thấy họ, tương tác với họ, đồng thời cần hiểu rõ các quy định và luật pháp của Mỹ hoặc các quốc gia khác mà họ muốn giao dịch. Còn ở phía Việt Nam, dù là thủ tục hành chính, chính sách thuế hay chính sách dữ liệu… thì đối với các doanh nghiệp Mỹ, chúng tôi luôn mong muốn các quy định và luật lệ ổn định, nhất quán. Đồng thời, cần giảm gánh nặng để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Chính vì thế, chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với phía Việt Nam để đảm bảo các luật sắp thông qua hay các nghị định thực thi được tham khảo ý kiến từ những người bị ảnh hưởng bởi những quy định đó. Điều này sẽ tạo ra đối thoại qua lại và đảm bảo chúng ta có những quy tắc, thủ tục và chính sách tốt để mọi người cùng tiến lên.
Như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nói về nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các công nghệ cao khác, tất cả các doanh nghiệp trong hiệp hội của chúng tôi đều đồng ý với điều đó. Một điều mà các doanh nghiệp Mỹ làm rất tốt là lĩnh vực kinh tế số, và chúng tôi muốn nhiều công ty Mỹ kinh doanh và thành công hơn tại đây. Các công ty Mỹ và Việt Nam đều muốn hợp tác cùng nhau. Mọi người Việt Nam mà tôi biết đều muốn tiếp cận các công nghệ tốt nhất trên thế giới, và với chất lượng cao nhất. Dù đó là các loại thuốc cứu mạng sống hay một công nghệ tốt, không ai muốn những thứ này không được cung cấp ở đây (tại Việt Nam) trong khi phần còn lại của thế giới đã có.
Để làm được điều đó, cần có hệ thống luật lệ quy định tốt. Ở mọi quốc gia, quá trình xây dựng pháp luật đều luôn phức tạp nhưng cần đảm bảo rằng, mỗi khi có luật mới, tất cả những người thực thi luật đó đều hiểu rõ và biết cách thực hiện. Đồng thời, luật mới không được chồng chéo hay mâu thuẫn với các luật khác đã có, qua đó tạo ra môi trường để các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.
Chúng ta muốn đảm bảo rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói đến mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 30-35 nền kinh tế lớn trên thế giới trong giai đoạn năm 2026 -2030 và tôi tin điều này. Lịch sử đã cho thấy chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia rất cần sự hỗ trợ thành một nhà cung cấp nhiều thứ cho nhiều người, bao gồm cả bộ quần áo mà tôi đang mặc đây. Và vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần đảm bảo rằng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cùng nhau để giải quyết các gánh nặng, vướng mắc và không để chúng cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nam-2025-tang-truong-se-manh-me-hon-159550.html