Về vấn đề này, bác sĩ Đào Văn Cao (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E), trả lời:
Bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn Haemophilus Influenzae (HI) gây ra và hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng bệnh này cũng có thể tấn công người lớn và gây ra những hậu quả nguy hiểm, điều trị phức tạp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Viêm màng não mủ là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở màng não do một số vi khuẩn gây nên. Viêm màng não mủ ở người lớn tùy theo từng nguyên nhân và cơ địa người bệnh mà mức độ biểu hiện và nguy hiểm khác nhau. Người bệnh nặng có thể xuất hiện lú lẫn, mê sảng hoặc kích thích, co giật, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch. Người bị viêm màng não mủ dễ bị tổn thương hệ thần kinh, biến chứng viêm não, áp xe não, điếc, động kinh… Viêm màng não mủ có thể xảy ra với bất kể đối tượng nào. Ở người lớn bị viêm màng não mủ thường có triệu chứng điển hình hơn, song đôi khi khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác. Các triệu chứng của viêm màng não mủ thường khởi phát đột ngột như: Sốt cao, nôn ói, đau đầu, cứng gáy, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng, xuất huyết hoặc ban xuất huyết với hình dạng bất thường trên da…
Đối với người bệnh đã có tiền sử viêm màng não và không xác định được nguyên căn gây bệnh, nếu có xuất hiện những dấu hiệu trên hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa bệnh nhiệt đới để kiểm tra, phát hiện bệnh. Việc phát hiện sớm và chẩn đoán viêm màng não mủ kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong và di chứng cho người bệnh. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm dịch não tủy để chẩn đoán bệnh. Nhất là trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu tiếp cận điều trị chậm trễ, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh (co giật, mù lòa, điếc, yếu liệt tay chân, kém nhận thức) rất cao. Vì vậy, khi thấy trẻ có hiện tượng sốt cao đột ngột, li bì, quấy khóc… bố mẹ cần đưa tới bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Khi mắc bệnh cần tuân thủ điều trị của các bác sĩ, tái khám và theo dõi bệnh nhân, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo cho bác sĩ điều trị, tránh những hệ lụy đến sức khỏe của người bệnh sau này.
Hiện nay, cách phòng bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn do HI quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine. Theo khuyến cáo, tất cả trẻ em cần được phòng vaccine HIB (viêm phổi và viêm màng não) gây ra từ lúc 2 tháng tuổi. Mặc dù đây là bệnh viêm màng não mủ, có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng bác sĩ cũng khuyến cáo, tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng là một khó khăn trong cuộc chiến với bệnh lý này.
Mọi câu hỏi của độc giả cho chuyên mục “Bác sĩ của bạn” xin được gửi về: Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính (Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Email: [email protected], [email protected].
|
QĐND