Có những gia đình, bên ngoài có vẻ yên ổn nhưng bên trong lại nổi bão giông.
Bạn có bao giờ thắc mắc, những gia đình từng hạnh phúc lại trở nên lạnh lẽo, xa cách và thậm chí tan vỡ?
Câu trả lời có thể nằm ở những câu nói giao tiếp hàng ngày của người trong nhà với nhau. Ba câu nói dưới đây nghe qua thì không dữ dội nhưng lại giống như những vết nứt ngầm, không ngừng làm xói mòn nền tảng gia đình, đẩy gia đình vào cảnh suy tàn. Nếu đã nghe thấy ai đó trong nhà nói như vậy thì đến lúc bạn cần gác mọi chuyện sang một bên và dành thời gian cho gia đình trước khi quá muộn.
“Đừng làm phiền nữa, hãy để cho tôi yên được không?”
Gia đình là nơi trú ẩn của tâm hồn. Nhưng khi câu nói “Hãy để cho tôi yên được không?” vang lên từ chính người nhà thì đó không còn là mái ấm nữa mà trở thành nơi lạnh lẽo.
Không biết bạn có nhận ra điều này không, rất nhiều lúc trẻ con hào hứng chạy đến nói chuyện nhưng bố mẹ lại lạnh lùng: “Bố mẹ đang bận, con đừng làm phiền nữa” . Hoặc lúc bố mẹ cần nhờ cậy đến con cái thì lại nhận được câu trả lời: “Con đang bận lắm! Để yên cho con làm việc đi” . Những câu nói này, nghe có vẻ bình thường nhưng lại như con dao vô hình đâm thẳng vào người thân thiết nhất của chúng ta.
Con của chị họ tôi vốn là một cậu bé hiếu động, đáng yêu. Mỗi ngày đi học ở trường mẫu giáo về, nó đều thích chạy đến líu lo bên mẹ kể chuyện. Nhưng dần dần cậu bé trở nên lặng lẽ, ít nói và tránh mặt mẹ.
Người mẹ bối rối không hiểu lý do, cho đến một ngày nọ, chị vô tình nghe con trai thủ thỉ với gấu bông: “Mẹ luôn nói tớ phiền phức nên tớ không muốn nói chuyện với mẹ nữa” . Lúc này chị mới sững người nhận ra mỗi khi con tìm đến, chị đều đang bận công việc hoặc mải mê lướt điện thoại mà phớt lờ: “Đừng làm phiền mẹ nữa. Đi ra ngoài đi để mẹ làm việc”.
Nhà tâm lý học người Mỹ John M. Gottman từng nói: “Hạnh phúc gia đình nằm ở sự chấp nhận và phản hồi lẫn nhau” .
Câu “Đừng làm phiền tôi” có vẻ như không có ý gì nhưng lại khiến cho người nghe cảm thấy bị chối bỏ, dần dần khiến tình cảm gia đình nguội lạnh. Đừng để nó trở thành bức tường vô hình ngăn cách giữa các thành viên trong gia đình mà hãy học cách lắng nghe và chia sẻ, đó là bước đầu tiên để bảo vệ gia đình.
“Tất cả đều là lỗi của anh/cô!”
Không có gia đình hoàn hảo, nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều cần có sự bao dung và thấu hiểu lẫn nhau. Tuy nhiên một số người lại có thói quen đổ lỗi cho những người thân thiết nhất, lúc nào cũng nói: “Tất cả đều tại anh/cô!” . Theo thời gian, kiểu buộc tội này không những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến các thành viên xa rời nhau.
Cuộc hôn nhân của bạn tôi – Tiểu Đình, đã bị câu nói này hủy hoại từng chút một.
Mỗi vợ chồng cãi nhau, cô luôn là người có lỗi. “Con đau bụng là do cô không nấu cơm, cả nhà phải đặt đồ ăn bên ngoài”, “Cô tiêu xài hoang phí nên chúng ta không thể tiết kiệm được”,… Rõ ràng đó là chuyện của 2 người nhưng lại trở thành lỗi của một mình Tiểu Đình.
Ban đầu, Tiểu Đình cố gắng giải thích nhưng sau đó dần chán nản. Cô nói: “Anh ấy chỉ biết trách móc tôi, không bao giờ nhìn nhận lại bản thân. Tôi cảm thấy mình không có chút giá trị nào trong gia đình này” .
Nhà văn La Rochefoucauld có câu: “Tình yêu đích thực là chấp nhận khuyết điểm của nhau, không phải cố gắng thay đổi đối phương bằng những lời buộc tội” . Gia đình là nơi hỗ trợ nhau, không phải chiến trường để các bên xâu xé lẫn nhau.
Khi “Tất cả là lỗi của anh/cô!” trở thành tình trạng thường xuyên trong gia đình, tình yêu và sự tôn trọng sẽ bị cạn kiệt. Cách giải quyết vấn đề là giao tiếp, không phải buộc tội. Chỉ khi mỗi người học được cách nói “Chúng ta cùng nhau giải quyết” thì gia đình mới gắn kết hơn.
“Thế này là được rồi, cố gắng làm gì”
Sự suy tàn của một gia đình thường bắt nguồn từ việc mất đi nỗ lực. Khi có ai đó trong nhà luôn nói: “Thế này là được rồi, cố gắng làm gì” , gia đình sẽ dần chìm vào trì trệ, không có động lực tiến bộ, cuộc sống trở nên máy móc và nhàm chán.
Hàng xóm của tôi, chú Giang, từng là một người rất chăm chỉ. Thời trẻ, chú đã làm việc chăm chỉ, dành dụm để mua được một căn nhà cho cả gia đình. Nhưng tất cả chỉ có thế, chú bắt đầu trạng thái ỷ lại, bằng lòng với hiện tại sau khi có nhà.
Vợ đề nghị sửa lại căn nhà, chú xua tay: “Cứ ở thế đã, thế này là tốt rồi” . Con trai chú muốn đi du học, chú nói: “Cứ học ở quê đi, vừa tiết kiệm vừa tiện” . Nhiều năm trôi đi, mọi thứ trong nhà chú Giang không có gì thay đổi, trở nên buồn tẻ và thiếu sức sống. Đến con trai chú phải phàn nàn: “Nhà cửa không có gì thay đổi, giống như một cái lồng ngột ngạt”.
Thực tế, tình trạng của một gia đình thường phụ thuộc vào ước mơ và mục tiêu theo đuổi của từng người trong đó. Mái nhà không chỉ là nơi chứa đựng cuộc sống mà còn là điểm khởi đầu của hy vọng.
Thay vì hài lòng “Cứ thế này là được” , tốt hơn nên là chăm chỉ, làm việc bằng cả trái tim và tạo ra nhiều giá trị hơn. Đừng để câu nói đó trở thành bia mộ của một gia đình, hãy cùng nhau nỗ lực để gia đình trở nên tràn đầy sinh lực và có tương lai tốt đẹp hơn.
(Nguồn: Baidu)
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/noi-thang-day-la-3-dau-hieu-cua-1-gia-dinh-dang-lao-xuong-day-vuc-ve-ngoai-em-am-danh-lua-tat-ca-172250104080041601.htm