Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 năm nay sử dụng một khối lượng lớn nền hoa, ước tính tổng cộng lên đến 109.000 giỏ hoa các loại. Thời gian thi công từ 7h ngày 9-1 đến 12h ngày 27-1. Tâm điểm dồn vào linh vật rắn.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 có chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa”, mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19h ngày 27-1 (tức 28 Tết) đến 21h ngày 2-2 (mùng 5 Tết).
Theo công bố của ban tổ chức, đường hoa Nguyễn Huệ năm nay được phân thành 3 phân đoạn “Kết đoàn”, “Chuyển mình” và “Phát triển”.
Năm 2025 là năm tập trung nhiều ngày lễ, sự kiện quan trọng của dân tộc, do đó nhằm chuyển tải thông điệp mừng năm mới, mở đầu cho những sự kiện trọng đại của năm 2025, khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế trang trọng, ý nghĩa, uy nghiêm và ấm áp.
Đại cảnh cổng mở đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay tạo nên “Vũ điệu thống nhất” như vang dội khúc ca khải hoàn, hoành tráng, hào hùng, vững bước tiến lên kỷ nguyên mới vì quê hương Việt Nam, “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa”.
Về linh vật Ất Tỵ 2025, theo ban tổ chức, sẽ tạo ấn tượng đôi rắn ấm tình và nàng Tỵ duyên dáng. Đây luôn là tâm điểm thu hút dư luận qua các năm, mà ban tổ chức phải có sự đầu tư để nhận sự tán thưởng của số đông.
“Nhắc đến rắn, ta thường cảm thấy có chút không an toàn, nhưng ở khía cạnh khác, rắn lại mang đặc tính linh hoạt. Vượt qua những thử thách này, đơn vị thiết kế đã chăm chút, sáng tạo nên hình tượng linh vật của năm Ất Tỵ thành một tác phẩm nghệ thuật, nhẹ nhàng, uyển chuyển rất được chờ đợi trước dịp Tết Nguyên đán”, đại diện ban tổ chức lý giải.
Theo đó, cặp đôi Kim Tỵ, Ngân Tỵ tại vị trí cổng chào đường hoa Nguyễn Huệ 2025 là sự trở lại ấn tượng về ngoại hình, kích thước và cách chế tác so với cặp đôi Quý Tỵ 2013.
Cặp Ngân Tỵ (con cái) dài 25m và Kim Tỵ (con đực) dài 42m toàn thân uốn lượn 3 vòng đan xen lẫn nhau, tạo thành đế rộng hơn 11m, với độ cao tính từ phần thân tiếp giáp với nền hoa đến đỉnh đầu cao trên 6m.
Kim Tỵ và Ngân Tỵ có 70% vật liệu chế tác là vật liệu thân thiện môi trường. Đầu và bụng rắn ốp tấm cót ép sơn màu, toàn bộ phần lưng phía trên được phủ lớp vảy mica gương có tính phản quang, tạo sự óng ánh của “kim” và “ngân”.
Tổng số vảy trên thân của Ngân Tỵ khoảng 2.700 miếng và Kim Tỵ gần 3.600 miếng vảy, được gắn hoàn toàn bằng thủ công kết hợp đèn LED chạy dọc hai bên bụng. Mắt rắn cũng là điểm nổi bật so với Quý Tỵ năm 2013, với đường kính 10cm, sơn màu theo thiết kế, đôi mắt của Ất Tỵ 2025 mang lại cái hồn cho linh vật.
Đường hoa năm nay có khoảng 90 tạo hình linh vật rắn được thể hiện với đa dạng sắc thái và hình dáng, đa phần tập trung sau cổng chào đường hoa (đảo rắn Kim Tỵ – Ngân Tỵ). Đây cũng là khu vực có các “bé tỵ” nhí nhảnh, hình dáng đáng yêu với phần đầu có thể chuyển động như trong các tiểu cảnh “Tỵ trẩy hội”, “Tỵ đồng hành”…
Nàng Tỵ của đường hoa
Khác với Kim Tỵ và Ngân Tỵ tỏa sáng lung linh kể cả dưới ánh nắng mặt trời hay đêm về rực rỡ, nàng Tỵ mang nét duyên ngầm của người con gái miền Nam trong trang phục đặc trưng, với “phụ kiện” khăn rằn và nón lá.
Được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn thân phủ màu xanh, là màu của sự sống và sự tăng trưởng, nàng Tỵ đạt kích thước ấn tượng với chiều dài hơn 50m, cao hơn 10m.
Phần đầu được cấu tạo bởi xốp, lưới nhuyễn, thép và vải mùng. Phần thân của nàng Tỵ được tạo hình từ gần 3.000 vảy bằng xốp phủ sơn, uốn thành hai vòng, trong đó vòng lớn nhất có đường kính gần 9m.
Tuy mang kích thước “khủng”, nàng Tỵ được chế tác hầu hết từ nguyên liệu có trọng lượng ở mức nhẹ và trung bình. Với chiều cao hơn 10m, cấu trúc nàng Tỵ phân thành hai phần chính là phần đầu và phần thân. Ngoài thép sử dụng kết cấu chịu tải, phần đầu có tỉ trọng nguyên vật liệu lần lượt là 25% mút xốp, 55% lưới thép nhuyễn và tỉ lệ mút xốp ở phần thân là 40%.
Hai phần ba chiều dài nàng Tỵ nằm trên mặt đất, lấy vòng xoắn thân làm đế đỡ, một phần ba thân dài hơn 5m trong tư thế thẳng đứng, phần mang rắn dài hơn 3m được tạo bởi khung thép phủ lưới nhuyễn có kết cấu nhẹ và không cản gió.
Thiết kế đại cảnh có diện tích lớn, chiếm gần như toàn độ chiều ngang đường hoa thường được sử dụng những năm gần đây đã mang lại hiệu quả tích cực, được khách tham quan yêu thích. Đại cảnh quy mô lớn giúp khách tham quan cảm nhận rõ hơn nghệ thuật chế tác, nghệ thuật tạo hình ở bên ngoài và bên trong đại cảnh.
Kể từ lần thực hiện đầu tiên vào năm 2004, đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2025 đã bước sang tuổi 22. Được xem như biểu trưng văn hóa ngày Tết ở TP.HCM, đường hoa luôn được người dân trông đợi với nhiều khám phá thú vị, góc “check-in” lưu giữ hình ảnh.
Công trình độc đáo này do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với các sở, ban ngành cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/linh-vat-o-duong-hoa-nguyen-hue-tet-2025-cong-phu-tao-hinh-nang-ty-khong-lanh-lung-20250101170245002.htm#content-2