(Dân trí) – Nâng cao chất lượng đầu vào và thu hút học sinh xuất sắc nhập học đang là cuộc đua diễn ra giữa các trường đại học ở Việt Nam.
Hiện nay, các trường đại học trong nước đang tích cực đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài. Một trong những chính sách phổ biến nhất đang được các trường áp dụng phổ biến là các chương trình học bổng.
“Cơn mưa” học bổng khích lệ người tài
Học bổng chính là công cụ hiệu quả trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục. Các chương trình hỗ trợ tài chính sẽ giúp các em ở vùng sâu, vùng xa hay có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục như các bạn đồng trang lứa.
Việc được hỗ trợ một phần tài chính sẽ giúp các em học sinh, sinh viên tập trung vào việc học mà không phải bận tâm đến các vấn đề liên quan học phí. Giảm tải áp lực tài chính cũng là cách để nuôi dưỡng môi trường giáo dục hiệu quả cho người học.
Mặt khác, học bổng cũng là một phương thức để thu hút những học sinh có thành tích xuất sắc.
Ngoài các chương trình đào tạo hiệu quả, tổ chức các chương trình trải nghiệm du học trao đổi, phát triển công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất,… thì các chính sách học bổng cũng là yếu tố tiên quyết để thu hút người tài.
Các trường đại học công lập hàng đầu luôn đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá và cung cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Đa số các trường đại học công lập dựa trên thành tích học thuật và điểm rèn luyện.
Ví dụ như Đại học Quốc gia TPHCM có chương trình học bổng “Ươm mầm tài năng Toán và AI” với ngân sách 25 tỷ đồng đến năm 2026. Chính sách học bổng này hướng tới việc phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế.
Đại học Kinh tế TPHCM trong năm 2024 cũng đã cấp 570 suất học bổng tuyển sinh dành cho tân sinh viên trúng tuyển với kết quả xét tuyển cao, 150 suất học bổng hỗ trợ học tập dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài các học bổng khuyến khích học tập mỗi học kỳ hay hỗ trợ sinh hoạt phí với mức trợ cấp 2 triệu đồng/tháng, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức các chương trình đặc biệt hướng việc đến đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ giai đoạn sớm.
Trong năm học 2023-2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng một số quỹ học bổng nổi bật như học bổng Trần Đại Nghĩa với mức hỗ trợ từ 50% đến 100% học phí dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng doanh nghiệp, học bổng du học trao đổi,…
Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thường niên triển khai các chính sách học bổng như học bổng doanh nghiệp, học bổng thủ khoa vinh danh những sinh viên đạt thành tích cao nhất trong các kỳ tuyển sinh.
Không chỉ các trường công lập, các trường tư cũng tích cực trong việc thiết kế các chính sách học bổng để thu hút nhân tài cũng như khích lệ tài năng của các em sinh viên đang học tập tại trường. Ngoài ra, các trường tư thục còn chú trọng những học bổng hỗ trợ tài chính cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, có thể kể đến là chương trình học bổng và chính sách tài chính “Học trước – Trả sau” của Trường Đại học FPT sẽ được triển khai vào năm 2025. Sinh viên sẽ trả dần học phí trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp. Học bổng này được xây dựng trên mục tiêu phá vỡ rào cản tài chính và không để một sinh viên có tinh thần ham học nào bị bỏ lại phía sau.
Trong năm 2025 sắp tới, Đại học FPT cũng triển khai nhiều chương trình học bổng khác như 900 suất học bổng học đường, 300 suất học bổng toàn phần, hàng ngàn suất học bổng 1-2 năm đầu tiên… Trong đó, học bổng Chuyên gia Toàn cầu sẽ bao gồm miễn học phí và tài trợ tiền sinh hoạt phí 30 triệu đồng/năm cho sinh viên nhận được học bổng. Đáng chú ý, sinh viên đạt học bổng này sau khi tốt nghiệp sẽ được lựa chọn làm việc tại một trong 5 quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Singapore.
Cạnh tranh thu hút nhân tài với các trường đại học quốc tế
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các trường đại học tại Việt Nam không chỉ nỗ lực thu hút học sinh xuất sắc trong nước mà còn phải đối mặt với áp lực từ các trường đại học quốc tế.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chia sẻ: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những học sinh xuất sắc thường được các trường đại học danh tiếng trên thế giới săn đón.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các trường đại học Việt Nam trong việc đổi mới và quốc tế hóa chương trình đào tạo, đặc biệt là xây dựng các gói học bổng mang tầm vóc quốc tế”.
Để có thể thu hút người tài ở lại, các trường đại học Việt Nam cần đẩy mạnh mức độ học bổng. Không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính mà các chương trình hay chính sách học bổng đó phải mở ra cơ hội cho sinh viên được tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Người tài không chỉ quan tâm đến học bổng đó sẽ hỗ trợ tài chính bao nhiêu mà họ còn chú trọng đến những cơ hội và giá trị khác đi kèm. Ngoài về tài chính, chương trình học bổng phải chú trọng đến chất lượng giáo dục, cơ hội được tham gia trao đổi quốc tế, phát triển các kỹ năng,… trong bối cảnh cạnh tranh với các gói học bổng của các trường quốc tế.
Nhìn chung, học bổng không chỉ đơn thuần là một khoản hỗ trợ tài chính, mà còn phải là một hành trình phát triển toàn diện, giúp người nhận phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và tạo dựng nền tảng cho tương lai. Để thu hút người tài, các trường đại học cần phải xây dựng các chương trình học bổng với tầm nhìn dài hạn, mang lại giá trị vượt xa những con số trên giấy.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/cuoc-dua-thu-hut-hoc-sinh-xuat-sac-cua-cac-truong-dai-hoc-viet-nam-20241231172516172.htm