(LĐXH) – Thị trường lao động năm 2024 chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh. Thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng (tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020).
Tiền lương, thu nhập của NLĐ tăng
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2024, tình hình lao động, việc làm có nhiều điểm sáng, ước thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%.
Thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Các giải pháp kết nối cung – cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động – việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh;
Các phiên giao dịch việc làm được tăng cường tổ chức, giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm thực hiện hiệu quả.
Các hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu khác và Đề án 06 được tăng cường.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khi công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19.
Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng. Cả năm đưa khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.
Song song đó, thực hiện tốt các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tính đến hết tháng 12, đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: BHXH bắt buộc đạt khoảng 17,8 triệu người, BHXH tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người), tăng trên 4 triệu người so với năm 2020.
Tính đến hết tháng 11, số người tham gia BHTN ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 2,5 triệu người so với năm 2020.
Đặc biệt, các chính sách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp được thực hiện tốt. Điều này thể hiện ở các cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương trong năm 2024 tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện.
Trong đó tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp như điều chỉnh mức lương tối thiểu (tăng bình quân 6%), xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đáng chú ý, tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của NLĐ hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của NLĐ có sự cải thiện.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách việc làm, thể chế thị trường lao động
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Cục đang tích cực tham mưu cho Bộ, Chính phủ, Quốc hội để ban hành Luật Việc làm (sửa đổi) để đảm bảo thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước;
Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
“2025 sẽ là năm với nhiều kỳ vọng và cơ hội để bứt phá khi các thách thức vĩ mô như lạm phát và lãi suất cao ở các quốc gia bắt đầu ổn định; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện là địa điểm thu hút FDI hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới;
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính hiệu lực, hiệu quả”, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh và cho biết, về giải pháp, nhiệm vụ, bên cạnh những nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ giao, Cục Việc làm xác định một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, xây dựng thể chế thị trường lao động, nhất là Luật Việc làm (sửa đổi), cơ bản hoàn thiện chính sách việc làm, thị trường lao động hiện đại, hội nhập, linh hoạt, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, thể chế hoá chủ trương, tầm nhìn của Đảng trong phát triển đất nước đến năm 2045.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ với địa phương, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, bám sát thực tiễn, thị trường lao động, đảm bảo tốt các thông tin thị trường lao động, việc làm là từ địa phương để tham mưu kịp thời trong điều hành dịch vụ việc làm, kết nối cung – cầu lao động, dự báo thị trường lao động, giúp cho dịch vụ việc làm được phát triển.
Năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%. Trong năm đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch. |
Hà Phương
Báo Lao động và Xã hội số 157
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nam-2024-thi-truong-lao-dong-phuc-hoi-manh-me-20241230213505239.htm