GS, TS. Từ Thị Loan không thể đóng băng di sản để sống với tro tàn quá khứ

0
0
GS, TS. Từ Thị Loan không thể đóng băng di sản để sống với tro tàn quá khứ
#image_title

(NB&CL) Lâu nay, khi nói đến phát triển công nghiệp văn hoá, nhiều nhận định cho rằng chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng tài nguyên di sản. Vì sao có tình trạng này, vướng mắc ở đâu? Làm thế nào để khai thác bền vững tài nguyên di sản? Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với GS, TS Từ Thị Loan về những nội dung này.

Cần tháo gỡ những rào cản

+ “Biến di sản thành tài sản” – đây là nội dung đã được nói đến nhiều và chúng ta đều thống nhất cao về vấn đề này. Nhưng vấn đề là làm như thế nào để biến di sản thành tài sản thì còn khá mơ hồ. Theo bà, chúng ta cần làm gì để biến di sản thành những nguồn lực để phát triển, để có những chuyển biến thật sự chứ không chỉ là những lời hô hào chung chung?

– Rõ ràng, là câu chuyện khó, bởi vậy chúng ta cứ hô hào mãi mà vẫn chưa có nhiều kết quả. Nhưng theo tôi, làm bất kỳ thứ gì ngoài việc thống nhất từ nhận thức đến hành động còn cần nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết là cần các nguồn lực, bao gồm nhân lực, tài lực, vật lực. Khi mà nhân lực chưa đủ trình độ chuyên môn, tay nghề, các cơ hạ tầng liên quan như đường sá, khách sạn, nhà hàng liên quan chưa đáp ứng được thì di sản vẫn đóng băng ở đó, không thể thu hút được du khách và không thể phát triển được các sản phẩm du lịch hay các sản phẩm công nghiệp văn hoá.

gs ts tu thi loan khong the dong bang di san de song voi tro tan qua khu hinh 1

GS, TS. Từ Thị Loan. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó thì cơ chế, chính sách cũng cực kỳ quan trọng. Chúng ta cứ hô hào nhưng chưa tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi; khi còn rất nhiều vướng mắc, rào cản thì rất khó để biến di sản thành tài sản. Ngoài ra, cũng cần tạo ra được một thị trường rất cởi mở, lành mạnh để cho doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp làm các ngành công nghiệp văn hoá phát triển.

+ Để khai thác di tích phục vụ phát triển du lịch, đã có tình trạng cải tạo, xây dựng những công trình mới làm phá vỡ kết cấu cũ của di tích, làm “trẻ hoá” di tích, khai thác quá mức di tích… Lại có xu hướng làm “hoành tráng hoá” di tích/di sản, khiến di sản bị biến dạng, sai lệch. Theo bà có cần một giới hạn nào đó cho việc khai thác di sản? Và nếu có, việc quản lý sẽ như thế nào?

– Chắc chắn là trong việc này cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Nếu chúng ta cứ để người dân, để các ban quản lý, để các ông thủ nhang trong các đình, đền, chùa tự ý làm theo ý mình thì chắc chắn sẽ loạn. Thực tế ở chùa Hương cách đây chưa lâu đã xảy ra chuyện động giả, chùa giả khiến các cơ quan chức năng phải tuýt còi và ra tay phá dỡ. Ở khu di tích danh thắng Tràng An cũng đã có chuyện người ta xây dựng hẳn một con đường hàng nghìn bậc trong vùng lõi di tích. Cũng đã có những màn đại xoè 5000 người, những màn đồng ca liền anh liền chị kỷ lục hàng ngàn người và người ta cho rằng làm như thế để tạo thương hiệu, để thu hút khách du lịch. Nhưng bản chất di sản không phải như vậy. Hoành tráng hoá đến mức làm hỏng, phá vỡ di sản thì chúng ta cần có những nguyên tắc cho việc này.

Chúng ta đã có các công cụ, đó là những Công ước của UNESCO và đặc biệt chúng ta có Luật Di sản văn hoá điều chỉnh, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua. Tất cả những điều luật đó là những quy định giúp chúng ta bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Chúng ta phải nhận thức rằng, di sản là tài sản quốc gia, tài sản của nhân loại, cho nên phải có các các quy định chặt chẽ để kiềm toả, để kiểm soát “lằn ranh đỏ”, không cho phép những vi phạm xảy ra.

Cộng đồng phải được chia sẻ lợi ích

+ Trong quá trình đưa di sản thành những nguồn lực để phát triển thì vai trò và quyền lợi của cộng đồng nắm giữ di sản đó được định vị như thế nào, thưa bà?

– Một trong những yêu cầu phát triển bền vững về văn hoá mà Liên hợp quốc đưa ra, quy định rõ lợi ích khi khai thác di sản văn hoá phải được chia sẻ một cách công bằng cho cộng đồng ở nơi có di sản hoặc chủ thể của di sản. Trong phát triển kinh tế – xã hội, lãnh đạo các địa phương cũng luôn luôn yêu cầu mỗi dự án khai thác di sản phải tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho người dân, phải đem lại doanh thu cho Nhà nước cũng như cư dân bản địa… Cho nên, chắc chắn vai trò của cộng đồng với tư cách là một trong những bên liên quan phải được chia sẻ lợi ích. Có thể thấy rõ điều này ở Hội An khi người dân trong khu di sản được buôn bán, được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, được khai thác nhiều dịch vụ liên quan. Ở đền Hùng, ở chùa Hương, Bái Đính hay tháp Bà Ponagar, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và nhiều nơi khác nữa, người dân cũng thu được nhiều lợi ích từ việc khai thác các giá trị của di sản vào hoạt động du lịch. Người dân có công ăn việc làm, đời sống được nâng cao, từ đó họ sẽ tự nguyện cùng chung tay bảo vệ di sản.

gs ts tu thi loan khong the dong bang di san de song voi tro tan qua khu hinh 2
gs ts tu thi loan khong the dong bang di san de song voi tro tan qua khu hinh 3
gs ts tu thi loan khong the dong bang di san de song voi tro tan qua khu hinh 4

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là địa điểm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội. Ảnh: Ban quản lý di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

+ Nhưng trên thực tế, không phải nơi nào cũng làm được như vậy. Chẳng hạn như ở Đường Lâm, đã từng có câu chuyện người dân xin trả lại danh hiệu di tích?

– Câu chuyện khai thác và bảo vệ di sản phải được các bên liên quan cùng phối hợp chặt chẽ. Ví dụ bên du lịch đến khai thác thì phải trích lại bao nhiêu phần trăm doanh thu để trả cho địa phương, sau đó địa phương phân bổ lại cho người dân. Người dân không được xây cất nhà cửa thì họ cũng phải được hưởng lợi từ di sản. Những vấn đề này ở nhiều quốc gia họ làm rất tốt. Như làng Lệ Giang ở Trung Quốc, khi người dân tham gia vào việc duy trì làng cổ, họ được chia sẻ lợi ích rất nhiều. Nhờ sự kết nối du lịch, người dân ở đây phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, phát triển những dịch vụ hỗ trợ…

Trở lại câu chuyện Đường Lâm, chúng ta cần học hỏi những mô hình của nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan… Đường Lâm có rất nhiều thứ có thể biến thành sản phẩm du lịch đặc sắc, cái thiếu của chúng ta là thổi hồn vào những thứ đó. Chúng ta chưa tạo ra được những câu chuyện hấp dẫn gắn với ngôi làng cổ này để kể với du khách, chẳng hạn như chùa Thầy gần đây có sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” hay như Tràng An đã trở nên “nổi tiếng” sau khi có phim “Kong: Skull Island”… Với Đường Lâm, có lẽ chỉ cần gắn vào đó một bộ phim hay một sự kiện văn hoá thì những điểm đặc sắc vốn có sẽ được quảng bá rất tốt. Nhìn rộng hơn, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác những yếu tố đương đại gắn với di sản, lồng ghép những yếu tố sáng tạo vào di sản truyền thống, từ đó tạo thành những sản phẩm du lịch thu hút du khách. Còn nếu chúng ta cứ thụ động, đóng băng di sản để sống với tro tàn quá khứ thì rất khó mang đến sự đột phá.

+ Xin cảm ơn bà!

Thế Vũ (Thực hiện)



Nguồn: https://www.congluan.vn/gs-ts-tu-thi-loan-khong-the-dong-bang-di-san-de-song-voi-tro-tan-qua-khu-post328145.html