Tăng trưởng 2 chữ số hiểu đơn giản là trong 20 năm tới chúng ta phải làm ra của cải và tích lũy được nhiều hơn để đến năm 2045 người dân Việt Nam có được mức sống của quốc gia có thu nhập cao.
Nếu duy trì được tăng trưởng 2 chữ số, đến năm 2045 quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay.
Đạt mức tăng trưởng 2 chữ số trong nhiều năm là bước chuyển lớn để đất nước “bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được thực hiện trong bối cảnh của khát vọng – đồng lòng – đồng thuận.
Người dân và doanh nghiệp được gì từ tăng trưởng 2 chữ số? Đó là việc làm nhiều hơn, thu nhập sẽ tốt hơn, cơ hội kinh doanh mở rộng, nhiều công trình, dự án được triển khai để đất nước ta to đẹp hơn như di nguyện của Bác Hồ…
Nhìn lại, khởi đi từ một nước nghèo, thu nhập thấp, quá trình 40 năm đổi mới đã đưa cuộc sống nhân dân ngày càng tốt hơn.
Chúng ta đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, đến năm 2025 đạt thu nhập trung bình để hướng tới 2 cột mốc: năm 2030 có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là thu nhập cao.
Mọi người ai cũng mong muốn Việt Nam hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó chính là khát vọng của toàn dân. Chính khát vọng và đồng thuận sẽ tạo ra lòng tin để cùng nhau thực hiện mục tiêu “Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Qua 40 năm đổi mới, chúng ta chưa bao giờ có được mức tăng trưởng cao 2 chữ số. Giai đoạn tốt nhất là 1992 – 1997 tốc độ tăng GDP là 8,8 – 9%, trong đó có năm đạt 9,4%.
Tăng trưởng bình quân 2 chữ số luôn có yêu cầu cao hơn để đảm bảo người dân có cuộc sống tốt, giảm thiểu các yếu tố không có lợi như lạm phát.
Quá trình đổi mới đã giúp chúng ta tích lũy được rất nhiều, từ nguồn lực, cơ sở hạ tầng ban đầu cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đặc biệt là kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, nợ công quốc gia ở mức thấp so với trần nợ công, sức mua của VND ổn định.
Vậy tăng trưởng 2 chữ số dựa vào đâu? Trong nhiều năm tới, chúng ta phải tạo ra những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh…
Nhưng trước mắt phải làm mới, tăng chất, tăng động lực cho ba trụ cột tăng trưởng của quốc gia gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Làm mới động lực tiêu dùng đó là phải khoan sức dân, sửa ngay thuế thu nhập cá nhân vì tiêu dùng đóng góp khoảng 50% tăng trưởng GDP của quốc gia.
Rồi phải thu hút thêm khách du lịch quốc tế để “xuất khẩu tại chỗ” – thêm sức cho trụ cột tăng trưởng tiêu dùng. Là làm mới động lực đầu tư, phải mở rộng chính sách tài khóa ở trong tầm kiểm soát để có thêm nguồn vốn cho đầu tư.
Vốn đầu tư nhà nước sẽ dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn nước ngoài, mở thêm doanh nghiệp.
Là phải sửa Luật Quản lý vốn nhà nước để khuyến khích khai thác hiệu quả khối tài sản hàng triệu tỉ đồng mà các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ. Là gỡ vướng, khởi động lại các dự án đắp chiếu, nhất là các dự án bất động sản.
Là phân cấp phân quyền mạnh hơn cho các đầu tàu kinh tế của quốc gia, cho 10 địa phương có GDP lớn nhất nước trong đó có Hà Nội, TP.HCM. Là tinh gọn bộ máy để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Để có được tăng trưởng 2 chữ số, cũng cần rất nhiều hiến kế để có được tăng trưởng bền vững, chất lượng bởi sau 2 chữ số là quá trình vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khat-vong-tu-tang-truong-2-chu-so-20241231082700863.htm