Không nên đánh đồng giữa người cống hiến, xa gia đình với công chức khác
Điểm a, khoản 4 Điều 120 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trong trường hợp giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách mà chưa được giao đất ở, nhà ở; xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN |
Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát kỹ lưỡng Điều 120 dự thảo luật để hạn chế tối đa các trường hợp không đấu giá, không đấu thầu quyền sử dụng đất; bảo đảm phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Báo cáo, làm rõ cơ sở bổ sung các đối tượng “công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách mà chưa được giao đất ở, nhà ở; xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang được giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” và có báo cáo đánh giá tác động cụ thể của chính sách mới.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá đề xuất của Chính phủ là hợp lý. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới bày tỏ băn khoăn vì theo đề xuất của Chính phủ thì chính sách với công chức thuộc lực lượng vũ trang được điều động đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo cũng ngang bằng với công chức nói chung. Trong khi đó, lực lượng vũ trang có đặc thù là dù trong thời bình thì vẫn phải thực hiện điều động liên tục.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: DOÃN TẤN |
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới kể lại những nội dung trò chuyện với một số cán bộ, chiến sĩ của một đơn vị tên lửa tại Ninh Thuận trong chuyến công tác mới đây. Trong đó, một số người từ ngoài Bắc được điều động vào 5, 6 năm trời, nhưng không thể đưa vợ con theo vì nhà ở tập thể của đơn vị không đáp ứng được, cũng không đủ khả năng mua đất làm nhà ở gần đơn vị. “Do vậy, tôi rất băn khoăn nếu đánh đồng giữa người cống hiến đi xa gia đình, vợ con với công chức nói chung”, Trung tướng Lê Tấn Tới nói.
Từ đó, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị cần có chính sách đặc thù với cán bộ, công chức thuộc lực lượng vũ trang.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận. Ảnh: DOÃN TẤN |
Thu hồi đất cần minh bạch
Cho ý kiến vào vấn đề thu hồi đất, các đại biểu đề nghị cần bảo đảm tính minh bạch khi thực hiện việc thu hồi đất, trong đó cần minh bạch ngay từ quy định trong luật.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, quy định về thu hồi, trưng dụng đất nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân. Cơ quan soạn thảo đã rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74.
Dự thảo luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Việc quy định như dự thảo luật nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nâng cao trách nhiệm địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù khi chưa có sự đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: DOÃN TẤN |
Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát quy định tại Điều 76 về trường hợp chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng cần thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh phải phù hợp với các trường hợp quy định tại Điều 74, đồng thời, cần cân nhắc tránh trùng lặp với quy định về trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: DOÃN TẤN |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc thực hiện minh bạch trong quá trình thu hồi đất sẽ giúp bảo đảm thu hồi đất đúng tiêu chí, tránh phát sinh khiếu kiện. Cần làm rõ khái niệm thế nào là đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, thế nào là phục vụ mục đích quốc gia, mục đích công cộng… Đồng thời cần quy định cụ thể trường hợp nào thì thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, trường hợp nào phục vụ mục đích quốc gia, mục đích công cộng…
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/can-chinh-sach-dat-dai-dac-thu-cho-can-bo-luc-luong-vu-trang-duoc-dieu-dong-727815