TikTok hiện sở hữu lượng người dùng trẻ tuổi đông đảo, trong đó có nhiều học sinh các cấp. Có phụ huynh cho biết con mới chỉ ở lứa tuổi tiểu học đã biết… lướt TikTok. Tuy nhiên, nền tảng này không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức hữu ích, mà còn “tiếp tay” phát tán những quan điểm, hành vi phản cảm, phản giáo dục, “đầu độc” quá trình trưởng thành của trẻ.
Chẳng hạn, bên cạnh hiện tượng TikToker tự xưng “giáo viên” hoặc được cho là giáo viên nói tục, dạy cách yêu, nhảy “khoe dáng” như Báo Thanh Niên đưa tin, cũng có không ít học sinh thực hiện nội dung khiến cả người lớn cũng phải hốt hoảng…
Học trò nghĩ cách… “bật” giáo viên
Một trong những nội dung phổ biến được các TikToker là học sinh thường xuyên đăng tải ở thời điểm hiện tại là “chống đối giáo viên”. Cụ thể, học sinh tham gia xu hướng này thường bày tỏ thái độ tiêu cực, thậm chí là hành vi bạo lực về cách phát ngôn hoặc hành vi của giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý, những video này thu hút từ vài trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem, cùng không ít bình luận ủng hộ.
Chẳng hạn, chỉ cần gõ từ khóa “chửi giáo viên” trên thanh tìm kiếm, TikTok đã gợi ý cho người dùng loạt video mang motif (kiểu) hình ảnh trắng đen kèm tựa đề “khịa giáo viên” dạy các môn học khác nhau, đa số là những môn chính như toán, văn và tiếng Anh. Các video này được đăng cùng những dòng trạng thái như “có câu nào không anh em”, “cho xin một câu nào mọi người”… Và dưới phần bình luận, không ít học sinh hưởng ứng theo bằng cách tố khổ giáo viên, thậm chí nói tục, chửi thề.
Một loại nội dung chống đối khác cũng được ưa chuộng là nhập vai nhân vật, trong đó TikToker sẽ phân công nhau đóng vai học sinh và giáo viên rồi diễn theo kịch bản có sẵn, thường theo hướng học trò “đốp chát” lại thầy cô. Tài khoản H.H.O với hơn 300.000 người theo dõi, khoảng 4,6 triệu lượt thích là một đại diện nổi bật của hình thức này, khi liên tục đăng tải những video có tựa đề phản cảm như “Khi hiệu trưởng đấu với học sinh”, “Cách đáp trả giáo viên cực gắt”, “Khi giáo viên mê nịnh”…
Cá biệt, có người dùng L.F.F.G đăng video quay lại cảnh hai học sinh, trong đó nam sinh mặc đồng phục liên tục có hành vi tác động vật lý lên nữ sinh mặc áo dài. Điều này nhằm minh họa cho tiêu đề “1 tim đánh cô giáo” của video này. Hay video khác của tài khoản B.L có tựa đề “học sinh đánh giáo viên” cũng gây chú ý khi một học sinh được cho là đang cầm ba lô lên với ý định đánh vào người cô giáo…
Không chỉ khai thác góc nhìn tiêu cực giữa giáo viên và học sinh, TikToker cũng sáng tạo nhiều nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa các học sinh. Trong số đó, có những nội dung độc hại như “bóc phốt” bạn bè, học sinh lớp dưới, hay quay những hoạt động không phù hợp với môi trường học đường như hút thuốc lá thường, thuốc lá điện tử (vape, pod) ngay trong lớp học…
Điểm thêm về những nội dung phản giáo dục trên TikTok, N.U.P, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết từng thấy bạn bè sau khi tốt nghiệp THPT đã đăng video “chửi xéo” giáo viên cũ, hay có trường hợp xưng hô không chuẩn mực với giáo viên, hoặc đặt điều về đời tư của thầy cô mà không hề có bằng chứng cụ thể.
“Điều này không chỉ xách động tâm lý chống đối giáo viên trong môi trường học đường, mà còn tác động rất lớn đến nhận thức và hành vi của các bạn trẻ. Nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời, học sinh sẽ xem việc công khai nói xấu thầy cô, hay tệ hơn nữa là có hành vi bạo lực đồng nghĩa với hợp thời, hay ho, từ đó bắt chước theo để được cộng đồng mạng công nhận”, P. đánh giá.
Muôn kiểu “qua mặt” giám thị
Ngoài các mối quan hệ học đường, gian lận thi cử cũng là chủ đề được nhiều học sinh là TikToker hoặc những nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp khai thác. Chẳng hạn, tài khoản B.B đã thu hút khoảng 2,4 triệu lượt xem khi giới thiệu những cách “lật bùa” (giấu “phao” thi) dễ dàng mà không bị phát hiện, trong đó đề cập đến việc viết rồi cắt tài liệu dán vào nắp máy tính cầm tay hay ruột bút.
Tương tự, người dùng K.Y.S.G cũng hướng dẫn một số nơi để ngụy trang tài liệu khi vào phòng thi như bút bi, băng cá nhân, nắp máy tính, gương soi cá nhân, đồng hồ thông minh. Hay tài khoản T. liệt kê 7 nơi giấu “phao” được cho là thầy cô sẽ khó phát hiện là ghi lên tay hay mảnh giấy nhỏ, bàn học, nhãn chai nước, hoặc bỏ vào giày, tay áo, hộp bút. Một tài khoản khác thì hướng dẫn làm “phao” bằng dây thun. Các video này đều nhận được vài trăm nghìn đến hơn một triệu lượt xem.
Không chỉ hướng dẫn gian lận cách gian lận theo kiểu “truyền thống”, những bài kiểm tra trực tuyến trên Azota hoặc Google Form cũng bị TikToker “soi” lỗ hổng. Cụ thể, người dùng H.H.N đã thu hút khoảng 2,8 triệu lượt xem với video hướng dẫn cách dùng tổ hợp phím để chia màn hình ra làm hai, vừa làm bài thi vừa tìm kiếm kết quả mà không bị ứng dụng phát hiện.
Mặt khác, người dùng G.C.N lại gợi ý thí sinh có thể đổi phần cuối của đường link từ “viewform” thành “viewanalytics” để xem trước đáp án, nhận về khoảng 5,3 triệu lượt xem. Dưới những video gian lận này, nhiều học sinh, sinh viên còn xin cách “hack” một số phần mềm hỗ trợ thi cử khác như vnEdu, LMS…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thường xuyên dùng TikTok để chia sẻ về cuộc sống học đường, Nguyễn Thị Thanh Mỹ, lớp 10A12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), không giấu nổi phản cảm khi thấy nhiều người dùng đăng tải những nội dung phản giáo dục trên nền tảng này. “Đó có thể là dấu hiệu thích thể hiện, hy vọng bản thân trở thành đại diện của ‘chính nghĩa’ của một bộ phận học sinh khi cho rằng mình dám lên tiếng bóc trần cái sai, cái xấu”, nữ sinh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Mỹ nhìn nhận hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về hậu quả tức thời, học sinh nói xấu giáo viên trên mạng xã hội có thể làm rạn nứt mối quan hệ thiêng liêng giữa thầy và trò, thậm chí khiến các bạn bị kỷ luật dẫn đến kết quả học tập bị ảnh hưởng. “Còn ở khía cạnh lâu dài, học sinh có thể mang cái nhìn lệch lạc về môi trường giáo dục, từ đó ‘tiêm nhiễm’ quan điểm này đến các thế hệ sau”, Mỹ cho biết.