12/05/2023 06:05
Huyện Đăk Tô có 17 dân tộc sinh sống, trong đó có 16 DTTS chiếm trên 55% dân số toàn huyện và mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện khá đa dạng với các loại hình: Các lễ hội, di sản văn hóa cồng chiêng, nhà rông truyền thống, nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, những phong tục tập quán tốt đẹp. Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức gìn giữ, bảo tồn, nhiều hoạt động văn hóa của các DTTS tiếp tục được duy trì, trình diễn ở nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, hội nghị.
|
Huyện duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa các DTTS, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS 2 năm/lần. Năm 2022 vừa qua, huyện đã tổ chức thành công Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Đăk Tô lần thứ nhất. Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, trong năm 2021, 2022, huyện đã cấp 12 bộ cồng chiêng cho các thôn đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng trên địa bàn huyện; Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với xã Kon Đào mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho 35 học viên tại thôn Đăk Lung; xã Đăk Trăm mở 3 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 60 học viên tại các thôn Đăk Trăm, thôn Tê Pên và thôn Tê Pheo. Cùng với việc vận động nhân dân tích cực đóng góp ngày công, khai thác vật liệu để sửa chữa, làm nhà rông, huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí cho 3 thôn (thôn Đăk Pung, xã Đăk Rơ Nga; thôn Đăk Ri Peng 2, xã Tân Cảnh; thôn Kon Đào, xã Kon Đào) để làm mới, sửa chữa nhà rông.
UBND huyện ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 28/10/2022 về triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn huyện Đăk Tô, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời, giới thiệu địa điểm xây dựng thí điểm vùng nguyên liệu và địa điểm thực hiện mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống trên địa bàn huyện. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông huyện, UBND các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS gìn giữ, phát huy nghề thủ công truyền thống và trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện.Trong một số ngày lễ, ngành Giáo dục huyện đã khuyến khích đội ngũ viên chức và học sinh mặc trang phục truyền thống các DTTS.
Ông Trương Đình Tuệ – Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: Thời gian qua, xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để bà con đồng bào DTTS Xơ Đăng trên địa bàn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Xã đã mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho người dân ở các thôn, vận động và hỗ trợ người dân các thôn làm mới và sửa chữa nhà rông truyền thống. Đến nay, các thôn trên địa bàn xã đều đã có nhà rông, phần lớn các thôn đã có bộ cồng chiêng và chỉ còn thôn Đăk Mông chưa có bộ cồng chiêng và theo kế hoạch trong năm nay sẽ được hỗ trợ cấp mới.
|
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 54 bộ cồng chiêng; có 18 thôn/36 thôn DTTS (Xơ Đăng, Ba Na) có bộ cồng chiêng tập thể, 15 thôn chưa có cồng chiêng tập thể nhưng có cồng chiêng của hộ gia đình và 3 thôn chưa có cồng chiêng (cả tập thể, cá nhân). Trên địa bàn huyện có 41 nhà rông, trong đó 1 nhà rông cấp huyện, 40 nhà rông cấp thôn. Trong 36 thôn đồng bào DTTS Xơ Đăng, Ba Na trên địa bàn huyện chỉ còn 1 thôn chưa có nhà rông (nhưng đã có hội trường thôn).
Theo ông Sa Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện, trong năm 2023, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 3 bộ cồng chiêng, trống cho các thôn đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng tại các xã Đăk Trăm, Ngọk Tụ và Diên Bình; giao Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức 1 lớp truyền dạy về kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng, 1 lớp kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, xoang và các bài chiêng truyền thống cho các thôn đồng bào các DTTS tại chỗ. Bên cạnh đó, lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2023 để hỗ trợ trang phục dân tộc, nhạc cụ, đạo cụ cho 8 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn đồng bào DTTS.
Với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, huyện Đăk Tô đã góp phần phát huy những nét đẹp truyền thống, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và vẻ đẹp truyền thống của các DTTS trên địa bàn.