Theo thông cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, ngày 11/5, Hoàng hậu Vương quốc Bỉ Mathilde đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam kéo dài ba ngày trên cương vị Chủ tịch danh dự của UNICEF Bỉ. Chuyến thăm nhằm khẳng định rõ những kết quả quan trọng đạt được của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em, cũng như những thách thức trẻ em còn phải đối mặt.
Trong thời gian ở Việt Nam, Hoàng hậu Bỉ Mathilde đã thăm những cơ sở có hoạt động do UNICEF hỗ trợ Chính phủ Viêt Nam; gặp gỡ và nói chuyện với nhiều trẻ em, giáo viên, phụ huynh, cán bộ y tế và các lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, trực tiếp tìm hiểu những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong công tác trẻ em.
Hoàng hậu Mathilde chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những tiến bộ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo trẻ em được khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục, được bảo vệ và được trao quyền để phát huy hết tiềm năng của mình. Chuyến thăm một lần nữa cho tôi thấy rằng, Việt Nam đã và đang xây dựng, thử nghiệm cách tiếp cận mới mẻ và sáng tạo nhằm mang tới những cơ hội to lớn, cải thiện phúc lợi của trẻ em trên khắp đất nước Việt Nam”.
Tại các cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Hoàng hậu Bỉ Mathilde đã đề cập đến những thành tựu của Việt Nam, tìm hiểu về những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em thông qua hợp tác chặt chẽ với UNICEF.
Hoàng hậu Bỉ nhấn mạnh, năm 2023 đánh dấu cột mốc 50 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ. Đây là cơ hội để Việt Nam và Bỉ tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai quốc gia.
Tại Lào Cai, Hoàng hậu Bỉ Mathilde có chuyến thăm thực địa, quan sát những phương pháp tiếp cận đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm, với sự hỗ trợ của UNICEF, nhằm cải thiện chất lượng học tập và nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ thuật số cho cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Hoàng hậu Bỉ đã tìm hiểu về việc áp dụng thực tế ảo tăng cường (AVR) để nuôi dưỡng trí tò mò, niềm vui học tập và các kỹ năng chuyển đổi cho học sinh mầm non. Chương trình thí điểm này đang giúp thu hẹp khoảng cách về trình độ hiểu biết kỹ thuật số giữa trẻ em vùng sâu, vùng xa và miền núi, đồng thời đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số – nhóm trẻ có tỷ lệ hoàn thành tiểu học và trung học cơ sở thấp nhất – sẽ có được khởi đầu tốt nhất khi đến trường.
Hoàng hậu Bỉ cũng đã đến thăm một câu lạc bộ về dinh dưỡng tại cộng đồng. Tại đây, bà gặp gỡ các bà mẹ đang học phương pháp sử dụng hiệu quả hơn các sản phẩm có sẵn tại địa phương để chuẩn bị những bữa ăn bổ dưỡng cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Được thành lập với sự hỗ trợ của UNICEF, các câu lạc bộ như thế này là minh chứng cho việc Chính phủ đã thử nghiệm và thành công trong việc tiếp cận được nhiều trẻ em hơn. Tại Lào Cai, lãnh đạo các cơ quan y tế tại địa phương đã áp dụng phương pháp này nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng khi tỷ lệ trẻ em thấp còi của tỉnh lên tới hơn 37%.
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, Hoàng hậu Bỉ đã có cuộc gặp với một nhóm các em trong độ tuổi vị thành niên, trao đổi về những mối quan tâm, tình trạng sức khỏe tâm thần của các em. Hoàng hậu ghi nhận những công việc đang được triển khai nhằm cải thiện một cách tích cực sức khỏe tâm thần của trẻ em, thông qua những hành động giúp trẻ em, thanh thiếu niên có được và duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời khuyến khích UNICEF và các đối tác tăng cường hơn nữa những nỗ lực nhằm cải thiện công tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu, trong đó bao gồm tăng phân bổ ngân sách cho sức khỏe tâm thần, lồng ghép sức khỏe tâm thần vào tất cả các lĩnh vực xã hội, cũng như cải thiện hệ thống chuyển tuyến tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, trường học và các đơn vị phúc lợi xã hội.