Xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc “có vào – có ra, có lên – có xuống”; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đối với đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất 3 chính sách lớn. Một trong số này là hoàn thiện quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo phương án được cơ quan soạn thảo đề xuất lựa chọn, dự thảo luật sửa đổi sẽ quy định cụ thể về quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó là nghĩa vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời xây dựng cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo; cơ chế để bồi dưỡng, sàng lọc, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ khi đang ở môi trường học tập.
Xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc “có vào – có ra, có lên – có xuống”; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.
Có thể nói, đây là những quy định rất cần thiết, là công cụ hữu hiệu trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho bộ máy công quyền, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần “tinh – gọn – mạnh”.
Các quy định trên sẽ tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.
Đồng thời, những quy định này cũng bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan; hạn chế tình trạng tiêu cực trong công tác quy hoạch tại nhiều địa phương, đơn vị, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ.
Nếu có được đội ngũ cán bộ thực tài, có tâm, trách nhiệm trong công việc, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp.
Đặc biệt, cơ chế sát hạch định kỳ sẽ giúp tránh được tình trạng bổ nhiệm xong thì ung dung “tại vị”.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp khi đã làm lãnh đạo thì cứ làm cho đến hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, bất kể năng lực và trình độ ra sao. Đại khái là đã lên thì rất khó xuống, đã vào thì rất khó ra. Sở dĩ tồn tại điều này là do thiếu cơ chế sàng lọc. Cùng đó là áp lực tâm lý khi ai đó bị mất chức, bị loại ra khỏi bộ máy, thậm chí là họ chủ động, tự nguyện xin thôi.
Chúng ta vẫn hay nói “ai yếu kém, không phù hợp, phải nhường chỗ cho người khác”. Tuy nhiên, thế nào là yếu kém? Thế nào là không phù hợp? Vì vậy, việc định nghĩa khái niệm, nội hàm các quy định cần rõ ràng và ở các văn bản dưới luật phải rất cụ thể, chi tiết. Khi đó, không chỉ tập thể mà bản thân người bị sàng lọc cũng sẽ tâm phục, khẩu phục.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, để thấy rằng việc “lên – xuống”, “vào – ra” là câu chuyện hết sức bình thường. Khi đó, chưa cần sàng lọc, có lẽ nhiều người cũng sẽ tự nguyện xin rút khi cảm thấy mình không thể đảm đương được nhiệm vụ mà không bằng mọi cách giữ ghế.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/sang-loc-can-bo-co-vao-co-ra-192241226213927525.htm