Vượt qua 110 dự án khởi nghiệp trên mọi miền Tổ quốc, dự án CK09: Agricutural Robot (Robot phun thuốc bảo vệ thực vật tự động) của nhóm sinh viên thuộc Câu lạc bộ Robot và Công nghệ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024”.
Giải pháp tự động hóa, hỗ trợ nông dân trên đồng ruộng
Tại phần thi “Đấu trí” chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2024 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 26/12, dự án CK09 Agricutural Robot (Robot phun thuốc bảo vệ thực vật tự động) của nhóm sinh viên thuộc câu lạc bộ Robot và Công nghệ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận được sự quan tâm lớn và xuất săc giành giải Nhất chung cuộc.
Theo thuyết minh của dự án CK09, Agricutural Robot có thể thay thế nhiều nông dân trong quá trình làm việc. Thay vì phải phun thuốc bằng tay, robot có thể hoạt động, thực hiện nhiệm vụ phun thuốc chính xác và đồng đều.
Robot có thể di chuyển linh hoạt, xoay 360 độ tại chỗ để hoạt động trong nhà kính với diện tích quay đầu nhỏ. Với hệ thống phun thông minh, robot có thể điều chỉnh được lưu lượng phun, tốc độ phun và áp xuất phun. Với camera ở phiên bản đầu tiên có thể quan sát, giúp người điều khiển theo dõi được hành trình di chuyển, ở phiên bản hai sẽ tích hợp thêm công nghệ xử lý ảnh AI thông minh, giúp robot nhận biết được sâu bệnh trên loại rau màu nhất định từ đó có thể nhận biết được khu vực rau màu bị sâu bệnh trên hành trình phun thuốc thì robot có thể chủ động điều chỉnh tăng hoặc giảm lưu lượng phun giúp tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật.
Định vị GPS giúp người vận hành có thể định vị vị trí của robot, từ đó lập trình hành trình di chuyển của robot vận hành hoàn toàn tự động. Đồng thời, robot được trang bị hệ thống phun thông minh, có thể điều chỉnh được góc phun, áp suất phun, tốc độ phun và lưu lượng phun. Đặc biệt robot có thể điều khiển trực tiếp trên điện thoại thông minh hoặc tay điều khiển. Và bình chứa thuốc có thể giúp robot phun liên tục hơn 1 ha.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành dự án, Nguyễn Thanh Nghị – đại diện nhóm dự án chia sẻ, dự án xuất phát từ khát khao được chế tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, áp dụng vào thực tiễn, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm chi phí lao động.
“Sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp em cảm thấy rất hạnh phúc, nhóm dự án chúng em đã rất nỗ lực, cố gắng để phát triển và hoàn thiện sản phẩm Agricutural Robot” – Nguyễn Thanh Nghị – đại diện nhóm dự án chia sẻ.
Bên cạnh dự án Robot phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, dự án CK04 – Nâng tầm giá trị sản phẩm từ cây tre mạnh tông, kết hợp định hướng phát triển du lịch địa phương đã được trao giải Nhì.
Hai giải Ba được trao cho dự án CK01- Mô hình kinh doanh trạm rửa xe tự động tại các trường đại học ở Việt Nam và dự án CK05 – Thức ăn ECO-FRIENDLY PELLETBTC.
Ba giải khuyến khích được trao cho dự án CK02 – TREVINA – Mô hình trồng tre tuần hoàn, sáng tạo, bền vững; CK03 – Tái chế bìa cứng CoeBox từ bã cà phê; CK08 Lộc Thiên Ý – Sản phẩm cho sức khỏe.
Ngoài ra, Ban tổ chức Cuộc khi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” đã trao giải dự án có ý tưởng sáng tạo cho dự án CK05 thức ăn ECO – FRIENDLY PELLETBTC; giải dự án được khán giả yêu thích nhất CK08 Lộc Thiên Ý – sản phẩm cho sức khỏe.
Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp của học sinh sinh viên
Phát biểu tại Chung kết Cuộc khi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024”, TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên, ngay từ năm 2014, với sự hỗ trợ của VCCI, Ban Tổ chức khởi nghiệp Quốc gia và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp – chương trình được tổ chức hàng năm với mục tiêu góp phần tạo bước đệm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Từ chương trình này, nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên đã được hiện thực hóa thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, …; hàng nghìn sinh viên được tập huấn, đào tạo kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, các dự án của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia chương trình khởi nghiệp quốc gia do VCCI, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT tổ chức đã đạt nhiều giải cao, như giải Nhất, Nhì, Ba, giải Mai An Tiêm.
Năm 2024, lần thứ 10 Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo” dành cho sinh viên, học sinh THPT và thanh niên cả nước. Cuộc thi được phát động từ tháng 3/2024 với chuỗi Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” được Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo 26 tỉnh thành phía phía Bắc đồng tổ chức; tiếp đến là kỳ thi “Kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo VNUA 2024” dành cho học sinh lớp 12 và hôm nay là vòng chung kết với các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
“Từ khi phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được gần 110 dự án khởi nghiệp trên mọi miền Tổ quốc; trải qua 2 vòng thi, 10 dự án xuất sắc nhất đã được chọn vào vòng chung kết và sáng nay, 04 đội dự án xuất sắc nhất sẽ tranh tài ở phần thi “Đấu trí”. Đây là các dự án được đánh giá cao cả về chất lượng, tính sáng tạo, cũng như khả năng phát triển. Các đội lọt vào chung kết đã được đào tạo, tập huấn về mô hình kinh doanh, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng gọi vốn, kỹ năng đàm phán”, TS. Nguyễn Công Tiệp cho biết.
Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng hy vọng các em học sinh sinh viên luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, khát vọng khởi nghiệp, đưa dự án của mình thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng, phục vụ quê hương.
Với bề dày truyền thống và kết quả triển khai hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã vinh dự là 01 trong ba trường xuất sắc trên cả nước được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao danh hiệu “Trường tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2023”.
Nguồn: https://danviet.vn/sang-che-robot-phun-thuoc-bao-ve-thuc-vat-tu-dong-nhom-sinh-vien-cua-vnua-doat-giai-nhat-cuoc-thi-khoi-nghiep-20241226191429061.htm