Được kế thừa quần thể di sản vật thể và phi vật thể vô giá, cộng đồng người dân Hội An và các cơ quan quản lý nhà nước đang ngày càng làm tròn trách nhiệm giữ gìn hơi ấm không gian di sản.
Những ngày cuối năm, khách du lịch đổ về TP Hội An đón Giáng sinh, năm mới nhộn nhịp. Các ngả đường từ Nguyễn Tất Thành, Hai Bà Trưng… xe nối đuôi nhau đưa du khách tới các điểm trung chuyển trước khi vào phố đi bộ.
Giữa dòng sông Hoài, ghe bơi tấp nập thả hoa đăng đưa khách nhìn ngắm những con phố trầm sâu dựng như thành lũy trăm năm đôi bờ.
Những “di sản” là con người Hội An
Chủ căn nhà cổ rộng hơn 400m2 ở địa chỉ 22 Nguyễn Thái Học đón đoàn khách nước ngoài vào tham quan căn nhà với nụ cười hồn hậu.
Câu chuyện của vị chủ nhà lôi cuốn du khách không hẳn bởi sự ấm cúng của gian nhà cổ, mà ở cách tiếp khách rất tự nhiên, hiền hậu, rất “Hội An” của ông.
Căn nhà cổ của ông diện tích lớn, nằm ngay phố đi bộ, nguyên bản, giờ được ông giữ lại để ở mấy năm nay mà không cho thuê.
Ông bảo chỉ cần mỗi ngày mở cửa ra thấy dòng người qua lại, thấy bóng hình, hơi thở, thói quen sinh hoạt của mình như một một phần di chỉ của thời gian đã là niềm hạnh phúc.
“Cách đây mấy năm tui đọc báo, thấy chủ tịch TP Hội An phát biểu rằng thành phố có chính sách mời gọi bà con về lại nhà xưa để hiện diện làm ấm lại không gian di sản.
Làm được vậy tui mừng lắm. Hội An có hấp dẫn được hay không chính là nhờ tinh thần cộng đồng, khả năng kết nối bà con tạo thống nhất chung cùng các hoạt động nghệ thuật ở phố đi bộ” – vị chủ nhà ở số 22 Nguyễn Thái Học nói.
Nhiều du khách rành trải nghiệm du lịch di sản bảo rằng họ tới Hội An nhiều lần nhưng vẫn muốn đi lại. Khi đi đến các di sản khác và đối chiếu lại với Hội An, họ bất chợt nhận ra rằng cái riêng có ở Hội An chính là sự hiện diện của con người trong di sản.
“Chúng tôi đi bất cứ chỗ nào cũng thấy có dân sinh hoạt thường ngày ở trong đó. Không phô diễn hay khiên cưỡng mà rất tự nhiên, đôn hậu. Bà con cho mình cảm giác tò mò, gần gũi thân thuộc như chính đang ở quê hương làng xã của mình” – chị Nguyễn Thị Bé Ly, du khách ở Cần Thơ, nói.
25 năm giữ ấm Hội An để “phố là của tất cả mọi người”
Bước ngoặt lớn là mốc 4-12-1999 khi UNESCO công nhận Hội An là Di sản văn hoá thế giới. Hội An có cả một quá trình biến đổi thần kỳ và nay tròn 25 “tuổi di sản UNESCO”.
Di sản và con người sẽ không làm Hội An trở nên lung linh như hiện tại nếu không có các hoạt động giữ ấm phố cổ.
Từ khi tổ chức phố đi bộ, đưa vào quy hoạch bài bản các phân khu kinh doanh, Hội An như cô thiếu nữ mang vẻ đẹp thô mộc bỗng được trang son điểm phấn, thay lên cơ thể bộ phục trang đượm đà.
Nhờ các hoạt động nghệ thuật trên phố đi bộ mà hình ảnh Hội An sống động, giàu năng lượng được lan tỏa khắp thế giới.
Người ta đến phố cổ thấy di sản đứng qua mỗi ngày. Đó chỉ là lý do, nhưng cái “giá trị tăng thêm” chính là các hoạt động nghệ thuật.
Khi đường phố sôi động, cộng đồng dân cư cũng được hưởng lợi từ buôn bán kinh doanh. Các tinh hoa phi vật thể, sản phẩm làng nghề được có cơ hội trình diễn cho du khách chiêm bái, thưởng lãm.
Khách lại càng tò mò và tìm tới các làng nghề, các điểm tham quan tiệm cận đông hơn.
Đợt COVID-19 là thời điểm dễ thấy nhất những tâm huyết với hồn phố Hội An. Có những ngày khách vắng hoe, những đêm nghệ sĩ sáng đèn diễn hết mình trên đường phố nhưng chỉ lác đác khách.
Nỗi buồn, âu lo hằn hiện trên từng nét mặt. Hay có những thời điểm phải công phu chuẩn bị cho ngày trở lại với bao tiền của, hăm hở. Nhưng rồi dịch lại quay trở lại, anh chị em nghệ sĩ lại phải bất lực ngồi đợi qua ngày khó khăn.
“Thành phố sáng tạo UNESCO” chắp đôi cánh cho nghệ nhân, làng nghề bay xa hơn
Tháng 10-2023 Hội An được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu thuộc UNESCO. Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh ví đây như là “lần xướng tên Di sản văn hóa UNESCO thứ hai” với phố cổ.
Với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể đậm đặc, việc có tên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu thuộc UNESCO như chắp thêm đôi cánh, đưa các làng nghề, các nghệ nhân Hội An đi xa hơn, vươn tầm thế giới.
Hội An cũng triển khai nhiều giải pháp kích thích sự sáng tạo mang lại lợi ích trong cộng đồng, tạo cơ hội cho người yếu thế, thúc đẩy du lịch bền vững…
Một số nghệ nhân Hội An như Lê Ngọc Thuận (Làng củi lũ), Võ Tấn Tân (Ta Boo Hội An) liên tục đưa sản phẩm triển lãm khắp thế giới. Việc Hội An gia nhập mạng lưới cũng thúc đẩy các mô hình sáng tạo mới như Xóm thủ công, Cửa tiệm Hạnh phúc…
“Đây là kết quả tuyệt vời của các nghệ nhân thủ công Hội An, qua đó tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất thủ công, các nghệ nhân, thợ giỏi trao đổi giao lưu chia sẻ nghề và định hướng phát triển sản phẩm tại đơn vị phù hợp với thị trường” – bà Trương Thị Ngọc Cẩm – giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh truyền hình Hội An, chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/giu-hoi-am-cho-hoi-an-de-pho-la-cua-tat-ca-moi-nguoi-20241213111441598.htm