Làm việc với Đoàn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định, trong thời gian qua, các khó khăn cả trong và ngoài nước đã làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong quý I/2023 của nhiều địa phương trên cả nước gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo điều hành, trong đó tập trung vào một số trọng tâm như: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, thuế trước bạ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tuy trong tháng 4/2023, tình hình sản xuất, kinh doanh có khởi sắc, có nhiều điểm nhấn tích cực, các cân đối lớn đều được bảo đảm; nhưng đánh giá chung, tình hình sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn, đặc biệt sản xuất của doanh nghiệp.
Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ cử đoàn công tác làm việc với các địa phương nhằm nắm bắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đến đời sống của người dân; đồng thời, nắm bắt các kiến nghị của địa phương, để từ đó có cơ chế, chính sách tháo gỡ.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm.
Đồng chí nhấn mạnh: Xác định ý nghĩa quan trọng của năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2025; nhận diện được những khó khăn, thách thức, UBND tỉnh Ninh Bình đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; sớm ban hành Chương trình công tác năm 2023 với 4 nhóm giải pháp và 198 nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm với kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, triệt để.
Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc, chủ động, tích cực triển khai tổ chức thực hiện, với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của các cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Ninh Bình đã xác định rõ mục tiêu, động lực tăng trưởng kinh tế quý I và cả năm là hoạt động của khu vực dịch vụ, lấy dịch vụ là chiến lược lan tỏa, cùng với sản xuất kinh tế nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng trước khó khăn của sản xuất công nghiệp. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch, đảm bảo đúng thời vụ, quan tâm phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Đối với sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các đoàn thường xuyên đi nắm bắt tình hình, làm việc trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay kiến nghị thuộc thẩm quyền hoặc kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định, tạo điều kiện tối đa trong khả năng và khuôn khổ quy định của pháp luật để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động.
Đối với đầu tư công, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ phó, đã thường xuyên đi kiểm tra trực tiếp hiện trường và tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2023, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và thi công đang thực hiện; nhất là tập trung quyết liệt cho dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn, các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn sau.
Với việc chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, kinh tế của tỉnh Ninh Bình vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 4/2023 đã có sự tăng trưởng đạt 8.830,5 tỷ đồng, tăng 9,2% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 32.086,9 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ; Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ, tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 999,3 triệu USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ, đạt 30,7% kế hoạch năm.
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, tính đến hết 30/4/2023, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 do địa phương quản lý đã giải ngân đạt 1.487 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 342 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch vốn; Vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 1.145 tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch vốn giao. Theo thống kê của Bộ Tài chính, Ninh Bình là tỉnh đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu xem xét tháo gỡ khó khăn cho địa phương đối với các quy định về đầu tư công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, vướng mắc về thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, chủ trương đầu tư đối với các khu công nghiệp dưới 300 ha và chính sách cho thuê đất công nghiệp…
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ cụ thể như: Quy hoạch phân khu Quần thể danh thắng Tràng An, chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng và tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất công nghiệp nói chung… tỉnh sẽ có báo cáo cụ thể xin ý kiến của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo việc làm cho người lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương.
Tại hội nghị các thành viên Đoàn công tác đã cùng thảo luận, giải đáp những kiến nghị của tỉnh Ninh Bình tập trung vào các nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, ổn định thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh như: Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký mới đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản; việc mua sắm trang thiết bị y tế (đặc biệt là mua sắm vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm) của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng bao gồm công tác triển khai nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với trường hợp dự án có đơn vị thực hiện các nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sau này không làm chủ đầu tư; phân cấp, phân quyền, trong quản lý điều hành nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã bày tỏ trân trọng đối với sự quan tâm của thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời nắm bắt các vấn đề khó khăn vướng mắc phát sinh qua quá trình quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Đồng chí đánh giá cao sự vào cuộc và tạo điều kiện hỗ trợ của Chính phủ cho tỉnh Ninh Bình trong công tác đầu tư công. Ninh Bình đã cố gắng, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cao so với cả nước.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách vĩ mô để khơi thông nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều này, Chính phủ cần có các chính sách đi kèm như chính sách tín dụng, cải cách tiền lương và sớm đưa Luật Đất đai sửa đổi vào thực thi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu.
Đồng thời, Chính phủ cần sát sao hơn đến các chính sách tài khóa để tạo nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược. Nghiên cứu cho phép tỉnh Ninh Bình xây dựng hệ thống giao thông hiện đại kết nối với các vùng kinh tế khu vực đồng bằng sông Hồng và khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn trong quản lý điều hành ở địa phương, đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã đánh giá cao tiềm năng của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Ninh Bình vẫn còn rất nhiều tiềm năng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông những năm qua khá nhanh và hoàn thiện đã tạo cho Ninh Bình một vị trí quan trọng trong khu vực kết nối các vùng kinh tế.
Đồng chí cũng ghi nhận, trước những khó khăn trong nước và thế giới nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng quý I xếp thứ 2 trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Về tốc độ giải ngân đầu tư công cũng trong tốp cao của cả nước. Vì vậy, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định thị trường. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương.
Đồng chí cũng đề nghị các thành viên trong Đoàn nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể mà tỉnh Ninh Bình đề xuất, hướng dẫn tỉnh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với những kiến nghị chung về khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; những vấn đề chính sách vĩ mô… Văn phòng Chính phủ ghi nhận, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để sớm tháo gỡ những khó khăn, nút thắt hiện nay của các tỉnh, các doanh nghiệp đang gặp phải, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 theo đúng kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn- Hoàng Hiệp