(Dân Sinh) – Năm 2025, Nghệ An tiếp tục phát huy hiệu quả an sinh xã hội cho người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế… trên nguyên tắc đúng, đủ, kịp thời.
Ngày 25/12, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Các chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra
Nghệ An là tỉnh có dân số đông với hơn 3,3 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với gần 1,9 triệu lao động, chiếm 57,1% tổng dân số của tỉnh.
Năm 2024, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 48.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động ước trên 20.500 người, dẫn đầu toàn quốc về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1.07%. Tỉnh Nghệ An đã huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 17,8 tỷ đồng. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ 98%.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Vi Ngọc Quỳnh, năm 2024 ngành đã nỗ lực, chủ động, linh hoạt, khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, toàn diện trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
“Một số chỉ tiêu về giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, công tác Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ… đạt và vượt kế hoạch năm 2024”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, đào tạo nghề, an toàn lao động tiếp tục được quan tâm. Năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo cho hơn 67.000 lượt người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70,1%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 29,8%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 81,9%”.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh: “Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, quyết định sự thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; giải quyết việc làm luôn gắn với nhu cầu cung – cầu thị trường lao động”.
Cùng với đó, Nghệ An chú trọng nắm bắt thông tin, kết nối cung – cầu lao động trong, ngoài tỉnh và thị trường lao động quốc tế; phối hợp với các địa phương tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động.
“Có thể nói, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong công tác giải quyết việc làm mà các chỉ tiêu đã cơ bản vượt kế hoạch”, ông Vũ nhấn mạnh thêm.
Nâng cao đời sống gia đình chính sách, đảm bảo an sinh xã hội
Xác định việc thực hiện tốt các chính sách người có công là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác đền ơn, đáp nghĩa, tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các địa phương, các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có trên 65.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, trong những năm qua được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách thường xuyên, hàng năm, ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà cho hàng nghìn người có công, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân của họ.
Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, trên 99% số hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân nơi cư trú.
Ngành chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng. Trong đó, chi trả trợ cấp thường xuyên cho 65.215 đối tượng chính sách với số tiền chi trả trên 153 tỷ đồng/tháng.
Toàn tỉnh hiện quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 157.923 đối tượng Bảo trợ xã hội, 1.166 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Ngành tập trung tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt kết quả tích cực. Bên cạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, các địa phương đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng và phát triển mô hình giảm nghèo bền vững tại cơ sở, khẳng định hiệu quả.
Ông Đoàn Hồng Vũ chia sẻ thêm: Năm 2025, Nghệ An tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa ngành LĐ-TB&XH với các sở, ngành, các địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Thực hiện các giải pháp kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động hiệu quả.
Công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia vào thị trường lao động. Chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp BTXH, chính sách giảm nghèo, nhất là các chính sách mới đảm bảo đầy đủ, kịp thời, minh bạch.
Đồng thời, huy động nguồn lực, phát huy hiệu quả giải pháp giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Tiếp tục phát huy hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế… trên nguyên tắc đúng, đủ, kịp thời và hiệu quả.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/nghe-an-nang-cao-doi-song-gia-dinh-chinh-sach-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-20241225162105948.htm