(NLĐO) – Vệ tinh kỳ quặc này đã biến mất tới 2 lần trước khi được Lực lượng Không gian Mỹ phát hiện vẫn đang lang thang trên quỹ đạo Trái Đất.
Theo Space.com, “kẻ đào tẩu” được nhắc đến là vệ tinh Khinh khí cầu hiệu chỉnh hồng ngoại (S73-7), rời khỏi mặt đất vào ngày 10-4-1974 trong khuôn khổ Chương trình Thử nghiệm không gian của Lực lượng Không quân Mỹ.
Ban đầu, nó được phóng bên trong KH-9 Hexagon, một vệ tinh dạng tàu vũ trụ lớn hơn nhiều, trước khi đi vào quỹ đạo tròn 800 km.
S73-7 có đường kính 66 cm lúc ban đầu, phồng lên khi hoạt động, đảm nhận vai trò làm mục tiêu hiệu chuẩn cho các thiết bị viễn thám.
Thế nhưng quá trình triển khai đã gặp sự cố và vệ tinh này biến mất khỏi màn hình radar.
Trong một cuộc phỏng vấn với Gizmodo, TS Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) cho biết vệ tinh này đã bất ngờ tái xuất trong màn hình radar vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Điều này chỉ được hé lộ qua các phân tích gần đây.
Thế nhưng, như một bóng ma, nó lại biến mất.
Gần đây, vệ tinh kỳ quái này mới xuất hiện lần nữa, đủ để các nhà khoa học xác nhận nó đã gia nhập “đội quân” rác không gian hùng hậu trên quỹ đạo Trái Đất, tạo ra bởi vô số thiết bị vũ trụ bị bỏ lại trong không gian.
Thực tế, việc nó lúc ẩn lúc hiện không quá khó hiểu và không có gì ma quái ở đây.
“Có thể thứ họ đang theo dõi là một bộ phân phối hoặc một mảnh khí cầu không bung ra đúng cách, nên nó không phải là kim loại và không hiển thị rõ ràng trên radar” – TS McDowell giải thích.
Ngoài ra, thực tế là người Trái Đất đang đối diện với một bầu trời… đầy rác.
Phía trên khí quyển là quỹ đạo của hành tinh, nơi các vật thể không gian tìm được nơi trú ngụ ổn định, không bị kéo xuống mặt đất và cũng không bay mất ra ngoài không gian.
Đó là nơi nhiều “thế hệ” thiết bị vũ trụ đã trú ngụ, hoạt động rồi ngưng hoạt động, trôi dạt nguyên vẹn hay vỡ ra từng mảnh.
Theo một ước tính gần đây của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), có khoảng 1 triệu mảnh “rác” lớn nhỏ trong khu vực này.
Mớ rác trên không này liên tục gây nguy hiểm cho Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng như nhiều thiết bị không gian khác, khiến các cơ quan vũ trụ khắp thế giới đang cố gắng tìm ra giải pháp thu gom.
Nguồn: https://nld.com.vn/ve-tinh-my-mat-tich-hang-chuc-nam-bat-ngo-tai-xuat-tren-bau-troi-196240507100658094.htm