Ngày 23/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho hay, trong tuần từ 13 đến 20/12, toàn Thành phố đã ghi nhận thêm 50 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 6 ca so với tuần trước.
Ngày 23/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho hay, trong tuần từ 13 đến 20/12, toàn Thành phố đã ghi nhận thêm 50 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 6 ca so với tuần trước.
Tổng số ca mắc sởi từ đầu năm 2024 đến nay đã lên đến 259 ca, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào.
Tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi nguy cơ mắc và biến chứng do sởi. |
Theo thông tin từ CDC Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu là trẻ em chưa tiêm phòng hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Phân bố theo nhóm tuổi, có 75 trường hợp dưới 9 tháng tuổi (chiếm 29%), 47 trường hợp từ 9 – 11 tháng tuổi (chiếm 18,1%), 85 trường hợp từ 1 – 5 tuổi (chiếm 32,8%), 21 trường hợp từ 6 – 10 tuổi (chiếm 8,1%) và 31 trường hợp trên 10 tuổi (chiếm 12%).
Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 40 trường hợp mắc sởi. TS. Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, khoảng 30% bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở ôxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% số ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng trẻ mắc sởi cũng gia tăng. Trong vòng 1 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi mắc sởi, chủ yếu là trẻ từ 4 tháng tuổi đến 8 tuổi. Nhiều trường hợp mắc sởi đã phát sinh các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm thanh quản.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sởi có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trẻ trên 5 tuổi, do chưa tiêm chủng đầy đủ.
Trung tâm đã thực hiện các biện pháp giám sát dịch tễ tại các ổ dịch sởi như Thượng Thanh (Long Biên), Xuân La (Tây Hồ), La Khê (Hà Đông) và tiếp tục kiểm tra, xử lý tại các khu vực khác như Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng), Vĩnh Ngọc (Đông Anh), Nhân Chính (Thanh Xuân), Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm).
Để kiểm soát dịch bệnh, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ, cần tuân thủ lịch tiêm chủng vắc-xin sởi.
Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi vắc-xin đầu tiên, nhắc lại mũi thứ hai ở 15 – 18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ từ 4 – 6 tuổi. Đối với những trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong khu vực dịch, có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi.
TS.Đỗ Thị Thúy Nga cũng nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ mà còn giúp ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.
Đồng quan điểm và nhấn mạnh vai trò của vắc-xin, theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.
Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.
Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Được biết, để phòng chống dịch sởi bùng phát, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi tại 18 tỉnh thành có nguy cơ cao, trong đó đã tiêm được hơn 1,2 triệu liều vắc-xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 27,2% ca mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đủ tuổi để tiêm chủng. Do đó, Bộ Y tế dự kiến sẽ mở rộng độ tuổi tiêm vắc-xin sởi từ 6 – 9 tháng tuổi trong thời gian tới.
Nguồn: https://baodautu.vn/tiem-vac-xin-soi-nham-tranh-dich-bung-phat-lay-lan-manh-d234568.html