Để vạch trần những “tạp chí săn mồi”, giáo sư Daniel Baldassarre tại Đại học Bang New York (Mỹ) đã thực hiện một “trò chơi khăm” táo bạo nhưng vô cùng hiệu quả.
Trong bối cảnh nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển, các “tạp chí săn mồi” nổi lên như một vấn nạn gây nhức nhối. Những tạp chí này không nhằm mục đích phục vụ khoa học mà chủ yếu để trục lợi tài chính từ các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người mới bước chân vào con đường học thuật. Để vạch trần vấn đề này, giáo sư Daniel Baldassarre tại Đại học Bang New York (Mỹ) đã thực hiện một “trò chơi khăm” táo bạo nhưng vô cùng hiệu quả.
Vạch trần sự thật đằng sau “tạp chí săn mồi” trong giới học thuật
Ngày 1/4/2020, tạp chí “Scientific Journal of Research and Reviews” bất ngờ đăng tải bài báo với tiêu đề “Có chuyện gì với loài chim vậy?” (What’s the Deal with Birds?). Nội dung bài báo chứa những quan sát ngẫu nhiên, thậm chí phi lý như: “Chim khá kỳ lạ. Ý tôi là, chúng có lông. Cái quái gì thế nhỉ? Hầu hết các loài động vật khác đều không có lông.” Giáo sư Daniel Baldassarre còn đưa ra biểu đồ xếp hạng các loài chim dựa trên tiêu chí hoàn toàn vô căn cứ như “mỏ kỳ lạ” đến “trông giống cá”. Bài báo không hề có dữ liệu định lượng, không phương pháp nghiên cứu, và rõ ràng là một tác phẩm mang tính chế giễu.
Dù nội dung bài báo hoàn toàn không đạt chuẩn nghiên cứu khoa học, tạp chí vẫn chấp nhận công bố mà không qua bất kỳ quy trình phản biện nào. Thậm chí, ban đầu tạp chí còn yêu cầu giáo sư Daniel Baldassarre trả phí 1.700 USD (khoảng 43 triệu đồng). Tuy nhiên, sau thương lượng, ông được miễn phí vì tạp chí kỳ vọng ông sẽ hợp tác lâu dài và trả phí cho các bài viết tiếp theo. Qua đó, giáo sư Baldassarre đã phơi bày cách thức vận hành dễ dãi của các tạp chí săn mồi, nơi sẵn sàng đăng tải bất kỳ bài viết nào miễn là có tiền.
Chiêu trò tinh tế phơi bày vấn nạn học thuật
Các “tạp chí săn mồi” hoạt động bằng cách gửi email mời mọc các nhà nghiên cứu gửi bài, hứa hẹn xét duyệt nhanh chóng nhưng yêu cầu khoản phí công bố cao. Điều đáng nói là hầu hết các bài viết tại đây không qua quy trình phản biện nghiêm túc. Nhiều bài báo chứa thông tin sai lệch hoặc vô nghĩa vẫn được xuất bản, gây thiệt hại lớn về tài chính và làm giảm uy tín của khoa học.
Bài báo “Có chuyện gì với loài chim vậy?” không chỉ là một trò đùa mà còn là lời cảnh tỉnh nghiêm túc. Theo thống kê từ Google Scholar, bài báo này đã được trích dẫn 9 lần, bao gồm cả trong bài viết của tạp chí “Journal of Dairy Science”. Hiện tượng này đặt ra câu hỏi về chất lượng của các nghiên cứu dựa trên những bài báo không đáng tin cậy.
Những hành động như của giáo sư Daniel Baldassarre đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu khác tiếp tục vạch trần các tạp chí săn mồi. Năm 2021, hai nhà nghiên cứu Martin Stervander và Danny Haelewaters đã đăng bài châm biếm với tựa đề “Tính chất ‘cá’ của những loài chim giống cá liên quan đến việc thiếu nấm độc nhưng không phải là pizza” trên một tạp chí săn mồi. Năm 2023, giáo sư Teresa Schultz tại Đại học Nevada tiếp tục chỉ trích tạp chí “Scientific Journal of Research & Reviews” bằng bài viết phân tích các thiếu sót trong quy trình xét duyệt và công bố.
Vấn nạn tạp chí săn mồi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giới học thuật mà còn làm xói mòn niềm tin của công chúng vào giá trị của nghiên cứu khoa học. Để ngăn chặn vấn đề này, các nhà nghiên cứu cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nơi công bố và nâng cao cảnh giác trước những lời mời mọc đáng ngờ. Cộng đồng học thuật cũng cần củng cố các tiêu chuẩn phản biện nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng và giá trị của mỗi công trình khoa học.
Nguồn: https://danviet.vn/vach-tran-su-that-dang-sau-tap-chi-san-moi-cua-cac-tien-si-giay-202412242317074.htm