Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi loại cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Dù mới triển khai, nhưng bước đầu đã giúp nhiều nông dân kiếm được bộn tiền, là động lực để bà con tiếp tục nhân rộng mô hình.
Đầu năm 2022, ông Lê Văn Liễu (trú thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) quyết định trồng thử 1ha cây dâu để phát triển nghề nuôi tằm. Chỉ trong 6 tháng, vườn dâu đã thu hoạch được lá, gia đình ông nhập về nuôi thử 6 hộp tằm giống, cho ra thành phẩm gần 5 tạ kén tằm.
Ông Liễu chia sẻ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Đăk Hà phù hợp với việc trồng cây dâu, tạo ra các sản phẩm kén tằm ổn định. Nơi cung cấp nguồn giống, họ cũng thu mua đến tận nơi. Với giá bán hiện tại, 1ha trồng dâu nuôi tằm mang về khoản lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi đợt nuôi.
Trồng dâu nuôi tằm đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Lê Văn Liễu (áo trắng).
Nhận thấy tiềm năng phát triển, UBND xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) đã vận động các hộ dân thành lập Tổ hợp tác liên kết nuôi dâu tằm. Mục tiêu của tổ hợp này là cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật canh tác để phát triển diện tích dâu nguyên liệu, chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và thành phẩm cho người dân.
Bà Nông Thị Hòa, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: “Nghề nuôi tằm đơn giản, không tốn sức, không cần phải thuốc thang nên rất yên tâm về sức khỏe cho gia đình. Các đơn vị cung cấp giống cùng cam kết mua lại khi ra sản phẩm kén. Tôi thấy nghề nuôi tằm phù hợp với mô hình kinh doanh hộ gia đình và mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Tâm (thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) được đánh giá là một trong những hộ thành công với mô hình này. Tháng 6/2023, bà thuê lại 9 sào đất trồng dâu và sắm dụng cụ, thiết bị nuôi tằm. Nhận thấy cây dâu phát triển tốt, bà bắt đầu nhập tằm giống về nuôi.
Sau hơn một năm, mô hình nuôi tằm của bà Tâm đi vào ổn định, bình quân mỗi tháng thu hoạch 1 hộp tằm khoảng 70kg kén, bán với giá 200.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình bà còn lại khoảng 12 triệu đồng/tháng. Chỉ vỏn vẹn 8 tháng, gia đình bà đã bán hơn 2,6 tạ kén và thu lãi trên 45 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Tâm cho biết, công việc này không vất vả, nhưng đòi hỏi người chăm sóc phải cẩn thận, có kế hoạch cụ thể. Lá dâu cho tằm ăn phải luôn sạch sẽ, cho tằm ăn phải đúng giờ, vào khoảng 6h sáng, 11h trưa, 17 – 18h chiều và 23h đêm. Quy trình 4 bữa ăn đều đặn như vậy mới cho sản phẩm kén chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, khu vực nuôi phải quây kín để hạn chế các loại côn trùng xâm nhập gây bệnh cho tằm”.
“Sau gần 2 năm nuôi tằm, tôi thấy nghề này ít vất vả, giá cả lại ổn định hơn trồng mì và hoa màu khác. Các công ty thu mua kén giá rất cao, sản xuất đến đâu có người đến tận nhà thu mua đến đó. Sắp tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích vườn dâu và xây dựng nhà xưởng nuôi tằm để tăng thêm thu nhập”, bà Tâm cho hay.
Ông Hà Đức Mỷ, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, hiện xã có khoảng 6 hộ đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích 6,5ha. Đây là mô hình phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp 2-3 lần so với trồng các loại cây hoa màu truyền thống. Qua đó giúp cho nông dân trên địa bàn có cuộc sống khấm khá hơn.
“Tuy nhiên, xã cũng khuyến cáo người dân không nên trồng dâu ồ ạt, cần tìm hiểu kỹ mô hình trước khi nhân rộng. Thời gian tới, xã sẽ kết hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm để giúp bà con nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm. Vì đây là hướng đi mới, nên xã tiến hành từng bước một cách thận trọng để giúp bà con làm quen, thích nghi dần”, ông Mỷ nhấn mạnh.
Hiện trên địa bàn huyện Đăk Hà có trên 30 hộ dân đã đầu tư xây dựng trại nuôi tằm lấy kén. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, nghề trồng dâu nuôi tằm không yêu cầu quá khắt khe về mặt kỹ thuật, cũng như nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Từ những tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm, UBND huyện Đăk Hà đã tổ chức ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nhằm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm để giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Thiện Tú – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Hà cho biết, trung tâm sẽ làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để chuyển giao khoa học kỹ thuật và phối hợp mở các lớp đào tạo nghề trồng dâu, chăm sóc tằm cho các hội viên nông dân, cũng như liên kết để bao tiêu, đảm bảo đầu ra cho người nông dân.
Nguồn: https://danviet.vn/o-kon-tum-dan-dang-trong-loai-cay-gi-la-vat-la-lam-thuc-nuoi-loai-vat-nay-nha-nao-kha-gia-20241224143455513.htm