Khái niệm chạm đến mặt trời có từ thần thoại Hy Lạp cổ đại với nhân vật Icarus, và đến nay các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã biến ý tưởng này thành hiện thực thông qua một tàu vũ trụ đặc biệt.
Ngày 24.12, tàu vũ trụ Parker Solar Probe tiến gần và chỉ cách mặt trời khoảng 6,1 triệu km, đánh dấu kỷ lục mới của nhân loại.
Phi thuyền, chỉ bằng kích thước một ô tô cỡ nhỏ, giờ đây trở thành vật thể nhân tạo “chạm đến” gần mặt trời nhất. Parker Solar Probe được phóng vào ngày 12.8.2018.
“Di chuyển với vận tốc lên đến 692.000 km/giờ, tàu vũ trụ chống chọi trong môi trường nhiệt độ 982 độ C ở khu vực rìa ngoài của khí quyển mặt trời gọi là vành nhật hoa để giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sao trung tâm của chúng ta”, Đài CNN dẫn lời đội ngũ NASA đứng sau dự án này.
Nếu di chuyển với một vận tốc trên ở Mỹ, phi thuyền chỉ mất 20 giây đi từ Los Angeles (bang California) đến thành phố New York (bang New York).
Đây là lần thứ 22 Parker Solar Probe tiến gần mặt trời. Theo Giám đốc chương trình Arik Posner, các chuyến thám hiểm mặt trời là một phần tham vọng lớn hơn của NASA nhằm vươn tới những ranh giới mới trong nỗ lực thám hiểm không gian.
“Đây là một ví dụ của những sứ mệnh đầy thách thức của NASA, làm điều mà chưa từng có ai thực hiện trước để trả lời những câu hỏi lâu nay về vũ trụ của chúng ta”, Earth.com dẫn lời ông Posner.
Do phi thuyền giờ đây đang ở sát mặt trời, các nhà khoa học không thể thiết lập liên lạc với con tàu. Họ hy vọng sẽ nhận được tín hiệu vào ngày 27.12 để xác nhận tàu vũ trụ vẫn còn sống sót.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tau-vu-tru-nasa-cham-vao-khi-quyen-mat-troi-185241225102401977.htm