Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã khởi công xây dựng được 3.697 căn nhà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở theo Chỉ thị 22 của Tỉnh ủy.
Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Thanh Thủy – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa.
PV: Được biết, theo kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ xây nhà cho hơn 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở trong năm 2024-2025. Xin bà cho biết một số kết quả tính thời điểm hiện tại?
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Sau gần 9 tháng phát động, tính đến ngày 5/12/2024, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban MTTQ tại 3 cấp của tỉnh Thanh Hóa là hơn 226 tỷ đồng. Trong đó, 11 huyện miền núi đạt gần 40 tỷ đồng; 16 huyện miền xuôi đạt gần 155 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, Ban Chỉ đạo các cấp đã phân bổ gần 145,8 tỷ đồng. Trong đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phân bổ 55,82 tỷ đồng, với số nhà được hỗ trợ là 1.420 hộ, Ban Chỉ đạo cấp huyện phân bổ gần 90 tỷ đồng. Tổng số nhà khởi công theo Chỉ thị số 22 và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án 4845 của UBND tỉnh Thanh Hóa là 3.697 căn, đến nay đã hoàn thành 1.998 căn nhà (xây dựng mới 2.953 căn, sửa chữa 744 căn nhà).
Vậy MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã có biện pháp nào để kêu gọi, vận động cộng đồng cùng chung tay xóa nhà tạm?
– Để đạt mục tiêu này quả là một thách thức rất lớn đối với những người làm công tác Mặt trận nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. MTTQ các cấp, từng địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân… hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Thông qua đó, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, chung tay, góp sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở sớm có nhà ở ổn định, an toàn.
Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, bà con trong dòng họ phải chủ động chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp nhân lực, ngày công, huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, quản lý, công khai các nguồn ủng hộ được thực hiện kịp thời, minh bạch, đúng pháp luật; sử dụng các nguồn ủng hộ, tài trợ bảo đảm huy động cao nhất mọi nguồn lực từ xã hội để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong thời gian sớm nhất.
Nhiều người vẫn băn khoăn, với số tiền hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà, các hộ nghèo, hộ chính sách sẽ khó có thể làm được một căn nhà kiên cố. Vậy, giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa bà?
– Đúng là với mức hỗ trợ như câu hỏi đặt ra, để có thể xây được một căn nhà 3 cứng (nền cứng, tường cướng, mái cứng) và hoàn thiện nhà ở cho hộ nghèo là rất khó. Chính vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo rất cần sự tham gia của cả cộng đồng. Thực tế đã có rất nhiều hộ dân, trên cơ sở nguồn hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy, chính quyền; MTTQ đã vận động dòng họ, làng xóm hỗ trợ thêm kinh phí; các doanh nghiệp hỗ trợ thêm vật liệu; các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang hỗ trợ ngày công xây dựng… sau khi hoàn thành, có những căn nhà đã lên đến cả trăm triệu đồng nhờ sự đóng góp, chung tay từ nhiều nguồn lực. Ở đây, chúng ta phải đặc biệt đề cao và biểu dương tinh thần phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, tất cả vì đồng bào. Ai có gì góp nấy để xây dựng những mái nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở trong điều kiện tốt nhất có thể.
Theo thống kê, số lượng hộ nghèo, chính sách cần được hỗ trợ làm nhà mới là rất lớn. Vậy trong thời gian tới, kế hoạch của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức thành viên là gì, thưa bà?
– Kế hoạch làm 5.000 căn nhà trong 2 năm (2024 – 2025) chỉ là một phần nhỏ trong một chủ trương mang tính dài hơi của tỉnh. Theo rà soát và thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 16 nghìn trường hợp cần được hỗ trợ. Đây là con số rất lớn và đặt ra nhiều thách thức đối với Thanh Hóa. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
MTTQ chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực hưởng ứng phong trào “chung tay vì người nghèo – không để ai ở lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Chương trình phát triển kinh tế – xã hội miền núi và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2026. Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai phong trào, xây dựng kế hoạch vận động và hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.
Phối hợp, rà soát, tổng hợp nắm chắc số hộ nghèo của từng địa phương, đơn vị để có kế hoạch vận động, hỗ trợ, giúp đỡ. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm dữ liệu, quản lý về người nghèo, Quỹ Vì người nghèo và công tác cứu trợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 – 2029 ; phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo vì người nghèo các cấp trong tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục có hình thức phù hợp để biểu dương, tôn vinh các tập thể cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, đóng góp tích cực trong xóa đói, giảm nghèo và ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: https://daidoanket.vn/no-luc-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-10297158.html