Việc quy định chỉ cấp giấy phép lái tàu cho nam đến 55 tuổi, trong khi theo Luật Lao động, 57 tuổi mới được nghỉ hưu khiến cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều gặp khó.
Chưa đến tuổi hưu đã quá tuổi lái tàu
Chia sẻ với PV Báo Giao thông sau khi vừa xuống ban chuyến tàu Thống nhất, ông Nguyễn Hữu Cương, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội nói: “Tôi đã hơn 54 tuổi rồi, 3 năm nữa sẽ nghỉ hưu. Nhưng tháng 10/2025 là không được lái tàu nữa vì hết tuổi lái tàu theo giấy phép. Hơn một năm ấy chưa biết xí nghiệp sẽ bố trí làm việc gì”.
Ông Cương cho biết, theo quy định Luật Lao động trước đây, đến tháng 10/2025 ông đủ tuổi về hưu, cũng đồng thời hết tuổi được cấp giấy phép lái tàu theo Luật Đường sắt 2017.
Như vậy là vừa đủ tuổi đời, vừa đủ tuổi nghề, được hưởng đủ lương hưu 75%. Nhưng theo Luật Lao động hiện hành, sau thời điểm tròn 55 tuổi, ông sẽ phải công tác thêm hơn 1 năm nữa mới được về hưu.
“Hơn một năm đó, đơn vị bố trí việc gì sẽ phải làm việc đó, không được làm lái tàu nữa. Công việc có phù hợp không, liệu mình có làm được không, thu nhập có giảm không?
Tính đến tháng 10/2025, tôi có 30 năm đóng bảo hiểm, nhưng theo quy định mới, phải đóng đủ bảo hiểm 35 năm. Nếu nghỉ, không làm nữa, tôi sẽ bị trừ mỗi năm 2%, tổng cộng bị trừ 10%.
Chưa đủ tuổi về hưu, mỗi năm về sớm sẽ bị trừ 2% nữa, nghĩa là sẽ bị trừ 4% nếu nghỉ hưu ở tuổi 55. Tổng cộng tôi sẽ bị trừ đến 14%”, ông Cương băn khoăn.
Cũng ở trường hợp như ông Cương, nhưng ông Cao Sỹ Thành cho biết, ông đã chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 5/2024. Thời điểm đó, ông đã qua tuổi 55 được vài tháng, nhưng chưa đủ tuổi về hưu là 57 tuổi theo quy định.
“Đây là quyết định khó khăn, tôi đã phải cân nhắc rất nhiều. Tôi gắn bó với ngành đường sắt hơn 30 năm, làm tổ trưởng tổ lái tàu khi mới 30 tuổi, đạt danh hiệu Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 7 vào năm 2023.
“Phấn đấu, nỗ lực như vậy, nhưng giờ chưa đến tuổi hưu lại không được lái tàu nữa. Đơn vị bố trí làm phụ lái tàu, nhưng làm chức danh này thu nhập sẽ thấp hơn”, ông Thành nói.
Khó bố trí việc khác
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, trường hợp như ông Thành, ông Cương không phải hiếm, nhất là tại thời điểm Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ năm 2021.
Trước đây Luật Lao động quy định đối với lao động nam, nghề nặng nhọc độc hại như nghề lái tàu 55 tuổi là nghỉ hưu, vì vậy Luật Đường sắt 2017 cũng quy định chỉ cấp giấy phép lái tàu cho nam đến 55 tuổi.
Nhưng theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nghề nặng nhọc độc hại là 57 tuổi. Nghĩa là 57 tuổi lái tàu mới được nghỉ hưu nhưng giấy phép lái tàu lại chỉ cấp đến 55 tuổi.
Vì thế, với những lái tàu này, đơn vị không thể bố trí làm lái tàu, nhưng cũng rất khó bố trí việc khác vì các bộ phận đều đã đủ lao động. Hơn nữa, họ được đào tạo ra để lái tàu, công việc cũng là lái tàu, giờ chuyển việc khác thì không có chuyên môn.
Để đỡ thiệt thòi cho họ, đơn vị vẫn giữ nguyên hệ số lương, các chế độ đóng bảo hiểm theo bậc lái tàu, nhưng lương sản phẩm phải theo công việc nên chỉ bằng khoảng 60-70% lương lái tàu. Vì vậy, nhiều lái tàu đã chấm dứt hợp đồng lao động.
Ông Thắng cho biết, tại thời điểm tháng 7/2021, sau hơn nửa năm Luật Lao động 2019 có hiệu lực, theo tính toán của xí nghiệp trong vòng khoảng 6 năm rưỡi, có 25/187 lái tàu của đơn vị phải dừng công việc do vướng các quy định trên.
Đến nay, đã có 13/25 trường hợp nghỉ hưu hoặc nghỉ trước tuổi, chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, có nhiều lái tàu giỏi, giàu kinh nghiệm.
Cần sớm sửa đổi
Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tình trạng tương tự cũng xảy ra với các xí nghiệp đầu máy Vinh, Sài Gòn.
Để đào tạo được một lái tàu phải mất 6-9 năm tính từ khi sinh viên ra trường. Dù có bằng lái tàu, họ vẫn phải trải qua thời gian làm phụ lái tàu 1 khoảng 3 năm, thi sát hạch lên phụ lái tàu 2 và mất 3 năm nữa, nếu đủ điều kiện mới được thi lên lái tàu (tài xế chính).
Tổng công ty Đường sắt VN đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi các quy định để phù hợp thực tiễn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Hồng Anh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ GTVT giao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan soạn thảo hồ sơ Luật Đường sắt (sửa đổi) đề xuất sửa đổi quy định độ tuổi về cấp giấy phép lái tàu.
Theo quy định Luật Đường sắt hiện hành, người được cấp giấy phép lái tàu phải có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ.
Vì vậy, Cục Đường sắt đề xuất sửa đổi, bổ sung độ tuổi lái tàu cho phù hợp với Luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đặc biệt với những người làm công việc thuộc danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Theo đó sẽ sửa đổi thành: Người được cấp giấy phép lái tàu phải có độ tuổi lao động phù hợp với quy định của pháp luật về lao động.
Theo Cục Đường sắt VN, quy định về độ tuổi tối đa được cấp giấy phép lái tàu hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt cũng khó khăn trong việc sử dụng, bố trí việc làm cho các chức danh lái tàu.
Bên cạnh đó, quy định về độ tuổi tối thiểu để cấp giấy phép lái tàu cũng chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng chức danh lái tàu.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lang-phi-lai-tau-gioi-vi-gioi-han-do-tuoi-192241224182814076.htm