Đề thi Văn cuối kỳ 1 đề cập đến thực trạng “uống rượu”, “nghiện rượu”, “nhậu nhẹt”…, tuy phản ánh một thực tế xã hội phổ biến nhưng có thể gây ra những liên tưởng nhạy cảm, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh.
Bất ngờ với đề thi Văn cuối kỳ 1
Một đề thi Văn cuối kỳ 1 dành cho học sinh đang được chia sẻ trong cộng đồng mạng với nội dung nói về việc nhậu gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, trong phần Đọc hiểu, đề cho đoạn trích về tác phẩm “Bạn nhậu cũ” và điều đáng nói là loạt câu hỏi khiến giáo viên phải giật mình như “Vì sao người đàn ông thường giả vờ say trước mặt cha?”; “Anh/chị hãy nêu ý nghĩa của việc nhậu giữa hai cha con”; “Cảm nhận của anh/chị về nhân vật cô phục vụ qua lời nói: Chừng nào em lấy chồng, em sẽ chọn một người y hệt anh, một người có thể chở cha mình đi nhậu. Bây giờ, ít người làm vậy lắm”.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM đánh giá: “Ban ra đề đã lựa chọn đoạn trích từ truyện ngắn “Bạn nhậu cũ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm ngữ liệu đọc hiểu. Trên thực tế, tác phẩm này, với lối viết đậm chất Nam Bộ và bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, đã khắc họa thành công những mảng tối – sáng trong đời sống người lao động bình dị, qua đó gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc.
Việc đưa đoạn trích truyện ngắn này vào đề thi không chỉ giúp học sinh tiếp cận với một tác phẩm văn học đương đại, giàu giá trị nghệ thuật mà còn khơi gợi ở các em sự đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống”.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh lựa chọn ngữ liệu, Thạc sĩ Tuyền cho rằng đề thi cần được chọn lọc một cách tinh tế hơn.
“Đoạn trích đề cập đến thực trạng “uống rượu”, “nghiện rượu”, “nhậu nhẹt”…, tuy phản ánh một thực tế xã hội phổ biến nhưng có thể gây ra những liên tưởng nhạy cảm, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh. Văn học là cuộc đời nhưng không phải ai cũng đủ sâu sắc để hiểu những triết lý từ cuộc đời được đặt để phía sau bề mặt câu chữ. Dù lối viết của tác giả ở ngữ liệu rất chân phương và khéo léo lồng ghép những thông điệp nhân văn sâu sắc nhưng việc học sinh chưa đủ độ chín chắn trong suy nghĩ có thể dẫn đến những hiểu biết lệch lạc hoặc tiếp nhận tác phẩm một cách phiến diện.
Thế nên, thay vào đó, ban ra đề có thể lựa chọn những đoạn trích khác trong tác phẩm hoặc từ các tác phẩm văn học khác, vẫn đảm bảo tính hiện thực và giá trị nghệ thuật, đồng thời phù hợp hơn với tâm lý lứa tuổi và môi trường giáo dục.
Về cấu trúc và cấp độ nhận thức, đề thi đã được thiết kế khá tốt, đảm bảo tính phân hóa với các câu hỏi ở các cấp độ biết – hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, như đã nhận xét, vấn đề còn lại nằm ở việc đặt câu hỏi.
Cụ thể, câu hỏi số 3 hỏi về “ý nghĩa của việc nhậu” và câu 4 hỏi câu nói của nhân vật “cô phục vụ” chưa thực sự rõ ràng, có thể gây khó khăn cho học sinh trong việc xác định và triển khai ý. Câu hỏi cần được thiết kế rõ ràng, chính xác, tránh mơ hồ hoặc đa nghĩa để học sinh có thể hiểu đúng yêu cầu và trả lời một cách chính xác, trọn vẹn”, Thạc sĩ Tuyền ý kiến.
Một giáo viên ở Hà Nội cũng đồng tình và cho rằng: “Nội dung truyện ngắn này thì không sao nhưng lấy ngữ liệu làm đề kiểm tra và thiết kế hệ thống câu hỏi liên quan đến việc ăn nhậu thì chưa phù hợp. Các nhà thơ xưa lấy men rượu để suy ngẫm về lẽ đời, thân phận,… Điều này khác với mượn chuyện ăn nhậu để nói lên một số thông điệp dễ dãi. Ngoài ra, nội dung ngữ liệu chưa rõ tính thẩm mỹ, giáo dục; chưa phù hợp với tâm lý học sinh THPT.
Từ đề thi này cho thấy, người ra đề dễ dãi, người duyệt đề chưa chú ý về ngữ liệu, nội dung câu hỏi, hời hợt chuyên môn”.
Nguồn: https://danviet.vn/de-thi-van-cuoi-ky-1-khien-giao-vien-giat-minh-vi-khong-phu-hop-voi-lua-tuoi-hoc-sinh-thpt-20241225073159756.htm