Diễn biến khó lường tại Trung Đông khiến phi công hàng không dân dụng lo ngại mỗi lúc bay qua điểm nóng xung đột.
rủi ro Tiềm ẩn
Một số phi công làm việc tại các hãng hàng không được cho là đã bất bình khi công ty chủ quản giữ lộ trình bay vào không phận của những điểm nóng tại Trung Đông.
Reuters ngày 23.12 dẫn lời một viên phi công từ hãng hàng không Wizz Air (Hungary) phàn nàn rằng anh được lệnh bay qua Iraq trong đêm, giữa lúc căng thẳng khu vực leo thang hồi cuối tháng 9. “Vài ngày sau, Iraq đã đóng cửa không phận sau khi Iran phóng loạt tên lửa vào Israel ngày 1.10. Điều đó đã xác nhận nghi ngờ của tôi về tính không an toàn”, viên phi công này nói.Trong tuyên bố, Wizz Air khẳng định hãng bay đã đánh giá rủi ro kỹ lưỡng trước khi quyết định bay qua không phận Iraq, cũng như tuân theo hướng dẫn của Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA).
Nút thắt gây nên sự hoang mang đến từ các đánh giá của hãng bay phần nào dựa trên thông tin tình báo của bên thứ ba, trong khi phi công lại không được nhận những thông tin này. Reuters cho hay có 9 lá thư từ 4 công đoàn châu Âu đại diện cho các phi công và phi hành đoàn bày tỏ lo ngại về an toàn khi bay qua Trung Đông. Nhìn chung, phía công đoàn yêu cầu các hãng hàng không minh bạch thông tin khi quyết định bay qua những vùng nguy hiểm, và muốn phi công có quyền từ chối thực hiện những chuyến bay không an toàn.
Giao tranh tại Trung Đông khó lường khi những lực lượng đối địch liên tục tập kích tên lửa lẫn nhau, nay thêm lo ngại bất ổn với những diễn biến chính trị tại Syria. Từng có những thảm kịch hàng không như chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines trúng tên lửa ở không phận Ukraine năm 2014 hay quân đội Iran bắn nhầm chuyến bay PS752 của hãng Ukraine International Airlines ở TP.Tehran năm 2020. Các phi công cho rằng việc bị vô tình bắn nhầm giữa lúc giao tranh hỗn loạn và nguy cơ hạ cánh khẩn cấp là mối lo ngại hàng đầu.
Lãnh tụ tối cao Khamenei nói Iran ‘không có và không cần lực lượng ủy nhiệm’
Trước tình hình tại Trung Đông, hãng hàng không Lufthansa (Đức) và KLM (Hà Lan) không còn bay qua Iran. Hai hãng trên cũng cho phép phi hành đoàn từ chối những chặng bay họ cảm thấy không an toàn. Hãng Wizz Air đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ TP.Tel Aviv (Israel). Một số hãng còn lại sẽ dựa trên hướng dẫn của EASA, được các chuyên gia trong ngành coi là cơ quan quản lý an toàn nghiêm ngặt nhất trong khu vực.
Không dễ thay đổi
Trung Đông là một hành lang quan trọng để các máy bay từ châu Âu có thể đến Ấn Độ, Đông Nam Á, Úc và ngược lại.
Theo dữ liệu của tổ chức theo dõi an toàn hàng không Eurocontrol (trụ sở tại Bỉ), ước tính năm 2023 có khoảng 1.400 chuyến bay đến và đi từ châu Âu bay qua Trung Đông mỗi ngày. Để tránh hoàn toàn các điểm nóng Trung Đông, không phải bài toán dễ với các hãng bay. Việc chọn bay vòng qua Trung Á, Ai Cập hay Ả Rập Xê Út sẽ khiến chi phí tăng và thường chỉ được những người lái phi cơ tư nhân áp dụng. Chẳng hạn, một hãng hàng không giấu tên có chặng bay Singapore – London hồi tháng 8 đã phải trả hơn 4.700 USD phí quá cảnh khi bay qua Afghanistan và Trung Á, đắt hơn 50% so với khi bay qua Trung Đông.
Tổng giám đốc (CEO) hãng hàng không AirBaltic (Latvia) Martin Gauss cho biết công ty ông đã tuân thủ các quy định an toàn quốc tế và không cần điều chỉnh. Trong khi đó, CEO hãng Ryanair (Ireland) Michael O’Leary khẳng định: “Nếu EASA xác nhận an toàn, thì thành thật mà nói, chúng tôi không bận tâm đến suy nghĩ của các công đoàn hoặc một số phi công”.
EASA cho biết họ đã tham gia những cuộc trao đổi về vấn đề an toàn liên quan tình hình Trung Đông. Trong khi đó, ngành hàng không sẽ lưu ý đến các động thái điều chỉnh chuyến bay qua Trung Đông từ một số hãng bay lớn Vùng Vịnh như Etihad, Emirates hay Flydubai, những doanh nghiệp được cho là có thông tin tình báo chi tiết.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hang-khong-dan-dung-lo-so-chao-lua-trung-dong-185241224234111766.htm