(NLĐO) – Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu trong tháng 12 này phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 29.
Chiều 24-12, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Sở Y tế và một số sở, ngành, đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/2024/NQ-HĐND tỉnh (Nghị quyết 29).
Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hết sức vất vả khi phải đến các cơ sở y tế xác nhận tình trạng bệnh để được hưởng chế độ theo Nghị quyết 29.
Mở đầu cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn cho biết Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh là chính sách hết sức nhân văn của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số cán bộ làm việc quá máy móc, gây bức xúc cho người dân. Ông dẫn chứng, người dân bị 4 bệnh nhưng cán bộ hướng dẫn họ xin xác nhận chỉ 1 bệnh nằm trong danh mục bệnh thuộc nghị quyết là cách làm không giống ai, gây phiền hà cho dân
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, trước đây tỉnh ban hành Nghị quyết số 43 quy định mức hỗ trợ các đối tượng khó khăn trên địa bàn, trong đó có đối tượng bị bệnh hiểm nghèo.
Trong Nghị quyết 43 không quy định rõ từng danh mục bệnh được hưởng trợ cấp hàng tháng và chế độ BHYT mà chỉ nêu “người mắc bệnh hiểm nghèo”. Quá trình triển khai, ngoài 42 bệnh trong danh mục bệnh hiểm nghèo được hưởng chế độ, còn có các bệnh được Sở Y tế, Trung tâm Y tế cấp huyện xác nhận là bệnh tương đồng với 1 trong 42 bệnh hiểm nghèo.
Vì vậy, toàn tỉnh đã có 5.180 đối tượng bệnh tương đồng hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 43, nên kinh phí năm 2023 và 10 tháng năm 2024 tăng nhiều.
Tháng 10-2024, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 29. Trong đó, có phụ lục nêu danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được hưởng chế độ. Nghị quyết cũng đưa ra mức chi ngân sách khoảng 95 tỉ đồng/năm.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam cho hay hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh có kết luận, chẩn đoán bệnh theo mã bệnh theo chuẩn mã ICD-10 nên có nhiều tên bệnh không trùng khớp với tên bệnh trong danh mục bệnh hiểm nghèo; có những bệnh gần đúng với tên bệnh; rất ít bệnh có tên bệnh dùng hoàn toàn như tên bệnh trong danh mục 42 bệnh nên cán bộ LĐ-TB-XH không tiếp nhận hồ sơ.
Đồng thời, do không có chuyên môn về y tế nên cán bộ không thể giải thích cho người dân được rõ. Ngoài ra, có một số cán bộ, công chức trong tuyên truyền, hướng chưa thấu đáo, gây phiền hà, bức xúc cho người dân.
Theo bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, hiện có 4.391 đối tượng trước đây được hưởng chính sách theo Nghị quyết 43, khi chuyển sang Nghị quyết 29 đang nộp hồ sơ đề nghị giải quyết. Có những bệnh tương đồng nhưng không trùng với tên trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo.
Bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam, cho hay thực tế, 42 danh mục bệnh hiểm nghèo trong phụ lục Nghị quyết 29 là lấy theo danh mục 42 bệnh hiểm nghèo trong Nghị định 134 của Chính phủ.
Bà cho rằng bản chất của các đối tượng bị bệnh được gọi là “bệnh tương đồng” với danh mục 42 bệnh đó là bệnh hiểm nghèo, chỉ là khác về tên gọi. Vì vậy, những đối tượng này phải được hỗ trợ theo Nghị quyết 29.
Bà Thu cho biết, Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh quy định mức chi ngân sách khoảng 30 tỉ đồng/năm. Trong năm 2023, mức chi tăng hơn gấp đôi với khoảng 77 tỉ đồng. Trong khi đó, Nghị quyết 29 quy định mức chi ngân sách khoảng 95 tỉ đồng/năm. Vì vậy, nếu cộng thêm 4.391 đối tượng từ Nghị quyết 43 chuyển sang cũng không làm “vỡ” quỹ ngân sách dự tính. Vì đây không phải là đối tượng phát sinh mới.
Bà Thu cho rằng vướng mắc người dân gặp phải là do ngành y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về các bệnh có bản chất là bệnh hiểm nghèo nhưng tên gọi không trùng với tên gọi trong danh mục 42 bệnh nên các đơn vị lúng túng trong triển khai.
Vì vậy, bà đề nghị Sở Y tế xác định lại danh mục bệnh và hướng dẫn theo đúng bản chất của 42 bệnh hiểm nghèo để địa phương có căn cứ thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở Y tế và Sở LĐ-TB-XH phối hợp có công văn hướng dẫn cụ thể, trong đó, phải nêu rõ danh mục các bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị thường xuyên, tốn nhiều chi phí để địa phương thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 29.
Theo ông Tuấn, các đối tượng trước đây đã hưởng thẻ BHYT theo Nghị quyết 43 thì bây giờ phải tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT cho họ, không thể cắt thẻ BHYT khi chuyển sang thực hiện Nghị quyết 29 được.
Ông Tuấn khẳng định bản chất Nghị quyết 29 là hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, chỉ giải quyết cho những đối tượng thực sự yếu thế. Những người thực sự khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo điều trị thường xuyên, tốn kém nhiều chi phí.
“Trong điều kiện của tỉnh, phải “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta tính toán không phải nếu chưa đủ 95 tỉ đồng thì chúng ta mở rộng đối tượng. Tuy nhiên, nếu mà đúng đối tượng bệnh hiểm nghèo thì tăng thêm ngân sách chúng ta cũng phải “bấm bụng” để hỗ trợ cho người dân” – ông Tuấn nói và yêu cầu ngay trong tháng 12-2024 này phải giải quyết toàn bộ các vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết 29.
Nguồn: https://nld.com.vn/bi-4-benh-yeu-cau-xac-nhan-1-benh-la-qua-may-moc-196241224182721903.htm