Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT diễn ra sáng 24/12, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Hưng đã đặt câu hỏi lãnh đạo, cán bộ ngành kinh tế hợp tác và PTNT khó khăn nhất, điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải là gì, từ đó tìm cách tháo gỡ, xây dựng thể chế, mô hình để phát triển.
Dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sáng 24/12, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Hưng đánh giá cao những kết quả mà Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã đạt được trong những năm qua và trong năm 2024.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Hưng đánh giá cao những kết quả mà Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã đạt được trong những năm qua và trong năm 2024 và “đặt hàng” mỗi đơn vị của Cục chỉ ra được những mấu chốt cơ bản nhất của đơn vị mình, đồng thời hiến kế các giải pháp, sáng kiến triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: Khương Lực
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng Yên – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế và PTNT cho biết, trong năm 2024, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT được giao chủ trì xây dựng 5 văn bản. Đến nay, Cục đã cơ bản tham mưu xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật với các lĩnh vực được phân công phụ trách.
Hiện nay, Cục đã hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan để tổng hợp, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án điều chỉnh, bổ sung Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội vùng tái định cư dự án thủy điện Sơn La (Đề án 666).
Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cũng đã hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ ngày 4/11/2024 và hiện đang tiếp tục giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.; đang xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan và địa phương để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp vào thời điểm thích hợp.
Lĩnh vực cơ điện, có duy nhất 1 cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành
Mở màn thảo luận tại hội nghị, ông Hồ Phi Tuấn – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Cơ điện nông nghiệp thông tin, năm 2024 đơn vị đã tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực cơ điện, cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Theo ông Tuấn, đây là năm đầu tiên Cục kết nối lại được tới các chi cục địa phương, tổ chức một số cuộc thi để cán bộ làm công tác cơ điện ở các địa phương nắm được, hiểu được cơ chế, chính sách về cơ giới hóa. Đơn vị cũng đã kết nối được với các doanh nghiệp cung ứng máy nông nghiệp.
“Vừa qua, đã có doanh nghiệp bước đầu có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng đối với HTX trong lĩnh vực cơ giới hóa” – ông Tuấn nói và cho biết đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt trong năm 2025 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
Nói về khó khăn trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp, ông Tuấn cho biết, gần như 100% cán bộ công chức của Phòng cơ điện nông nghiệp không được đào tạo về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. “Qua rà soát, vừa rồi chỉ có duy nhất một chi cục có một cán bộ được đào tạo về cơ khí nông nghiệp” – ông Tuấn nói và mong muốn trong giai đoạn 2026-2020 có định hướng thúc đẩy đào tạo về cơ khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp cho cán bộ quản lý.
Báo cáo với Thứ trưởng, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, trong 8 lĩnh vực quản lý, 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm có 3 lĩnh vực đặc biệt được quan tâm, đó là: tổ chức sản xuất, sắp xếp HTX và liên kết các chuỗi giá trị; ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề – tiềm năng lớn để phát triển khu vực kinh tế nông thôn và chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Nói về lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, ông Thịnh cho rằng, đây là lĩnh vực “bị bỏ quên”, dẫn tới năng suất lao động của nước ta thấp và mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta hiện chỉ đạt 3 mã lực/ha. Cùng với đó, mặc dù chúng ta có nhiều máy nông nghiệp nhưng chủ yếu là máy nhỏ và do khâu vận hành, bảo dưỡng không trơn tru nên chỉ vận hành đạt khoảng 50% công suất máy móc.
Phản biện lại, Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho rằng, trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, người dân nước ta rất thông minh. “Thực sự họ áp dụng công nghệ, tự sáng tạo ra công nghệ, máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng vì sao đến nay vẫn chưa huy động được các nguồn lực hoặc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất” – ông Hưng đặt vấn đề và cho rằng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ thì không thể áp dụng cơ giới hóa, nhất là việc sử dụng máy lớn.
Làm rõ “điểm nghẽn”, tập trung xây dựng thể chế, mô hình để phát triển
Để tạo ra không khí trao đổi sôi nổi, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Hưng đề nghị mỗi đơn vị trong Cục phải tự tìm ra điểm mấu chốt, vướng mắc, điểm nghẽn trong quản lý của đơn vị mình để từ đó có giải pháp tháo gỡ; phân vai, phân việc rõ ràng, tập trung xây dựng thể chế, mô hình để khơi thông nguồn lực, tăng hiệu quả trong công tác quản lý…
Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến, mặc dù số lượng HTX tăng chậm so với năm 2023 nhưng các địa phương đã quan tâm hỗ trợ HTX phát triển thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tham gia các chương trình, đề án điểm đang được Bộ triển khai như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Đề án vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Hưng đặt câu hỏi: Khu vực kinh tế hợp tác, HTX có vai trò rất quan trọng, nhưng vì sao HTX của chúng ta lại chưa phát triển, nó vướng ở chỗ nào? Nếu như cởi trói chưa hết thì phải có giải pháp để cởi trói cho bằng hết. Nếu cởi trói được thể chế thì sẽ huy động, khơi thông được các nguồn lực.
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng, ông Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Luật HTX đã được sửa nhưng chưa tạo động lực cho xã viên để họ có động lực phát triển. Vướng mắc ở chỗ, quyền đối với tài sản đóng góp của các xã viên trong HTX còn mập mờ, không được thừa nhận là tài sản thế chấp khi vay vốn…
Theo ông Quang, quy mô HTX còn nhỏ, hoạt động tham gia thị trường dù có gia tăng dần, nhưng vẫn còn hạn chế. Đáng chú ý, nhiều thành viên của HTX phải tự thành lập các công ty riêng để có pháp nhân khi thực hiện các nhu cầu vay vốn, thế chấp tài sản…
Đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn, bà Trần Thị Loan – Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn cho biết, hiện nay cả nước có 2.500 làng nghề được công nhận và chúng ta có chủ trương phát triển làng nghề gắn với du lịch. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu được số hóa để phục vụ du khách. Cùng với đó, nguồn lực chi cho làng nghề cũng chưa được bố trí để các địa phương triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Hưng đánh giá cao những kết quả mà Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã đạt được trong những năm qua và trong năm 2024. Thứ trưởng nhận định đây là thời điểm để tất cả các tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức trong Cục nhìn lại, soi lại mình xem đã hoàn chỉnh chưa, đồng thời phát huy năng lực, sở trường để phát triển.
Nhấn mạnh ngành kinh tế hợp tác và PTNT có nhiều nhiệm vụ trọng trách lớn, Thứ trưởng Võ Văn Hưng yêu cầu các đơn vị trong Cục cần kiến tạo thể chế, văn bản quy phạm pháp luật. Khi làm được những điều này, ngành sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phát triển. Thứ trưởng “đặt hàng” mỗi đơn vị của Cục chỉ ra được những mấu chốt cơ bản nhất của đơn vị mình, đồng thời hiến kế các giải pháp, sáng kiến triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Nguồn: https://danviet.vn/truy-diem-nghen-thu-truong-bo-nnptnt-vo-van-hung-muon-nganh-kinh-te-hop-tac-va-ptnt-tao-thay-doi-de-phat-trien-20241224141024835.htm