Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm đối tác xuất khẩu hành củ, hành lá và rau chân vịt tại Việt Nam.
Chi nhánh thương vụ tại Osaka đang làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm kiếm đối tác sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng như sau tại Việt Nam:
1. Hành củ: Tươi, cả loại đã bóc vỏ và loại còn nguyên vỏ. Số lượng cần cung cấp: 1 container 20ft mỗi tháng.
2. Hành lá: Tươi. Số lượng cần cung cấp: 1 container 20ft mỗi tháng.
3. Rau chân vịt đông lạnh: đóng thành túi 1kg hoặc 500gr. Số lượng cần cung cấp: 1 container 20ft mỗi tháng.
Hiện nay doanh nghiệp Nhật Bản đang nhập mặt hàng trên từ Trung Quốc và muốn chuyển sang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Vậy doanh nghiệp nào có khả năng giao tiếp, trao đổi qua email bằng tiếng Trung hoặc tiếng Nhật, có thể đăng ký và gửi thông tin giới thiệu về năng lực, báo giá cùng danh thiếp của cán bộ bán hàng/đại diện liên hệ tới Chi nhánh Thương vụ Osaka (Nhật Bản).
Đến nay, đánh giá về tiềm năng của thị trường Nhật Bản, các chuyên gia cho biết, Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản.
Hiện nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ dừng lại ở 6 nhóm chính, trong khi một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa có cơ hội xuất khẩu và tiến sâu vào thị trường Nhật Bản. Tính chung giá trị xuất khẩu nông sản chỉ chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản tương đối lớn.
Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các tiêu chuẩn chất lượng cao như của Nhật Bản đã trở thành động lực thúc đẩy nông sản Việt Nam không ngừng cải tiến để đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng toàn cầu, xây dựng thương hiệu vững mạnh cho nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đáng chú ý, việc Việt Nam xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Để đạt được điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, đến việc tối ưu hóa hệ thống logistics và tiếp cận thị trường.
Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản các loại nông sản chính như: thủy sản, gạo, cà phê, rau quả…
Nguồn: https://danviet.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-muon-mua-hanh-cu-hanh-la-rau-chan-vit-cua-viet-nam-20241224160023199.htm