Cơ hội lẫn thách thức đan xen trong 2025 sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp Việt vươn lên, nếu doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ để giải các bài toán gắn liền với chuyên môn của mình.
Lãnh đạo FPT, PNJ dự báo tình hình kinh tế 2025 và cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Cơ hội lẫn thách thức đan xen trong 2025 sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp Việt vươn lên, nếu doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ để giải các bài toán gắn liền với chuyên môn của mình.
Tọa đàm “Bức tranh kinh tế – Xu thế toàn cầu, cơ hội Việt Nam” . Ảnh Chí Cường |
Tọa đàm “Bức tranh kinh tế – Xu thế toàn cầu, cơ hội Việt Nam” diễn ra chiều muộn ngày 23/12, trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sao vàng đất Việt 2024, đã mang tới nhiều góc nhìn mới, từ phạm vi nền kinh tế toàn cầu đến những câu chuyện sát sườn với doanh nghiệp Việt Nam.
Tọa đàm được điều phối bởi ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư, cùng với sự tham gia ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.
Góc nhìn đa chiều về bức tranh kinh tế 2025
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có quan điểm khá lạc quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025. “Tăng trưởng tín dụng hiện có nhiều dư địa phát triển và đầu tư công đang là động lực quan trọng đẩy nền kinh tế tiến lên”, ông Thông nhận định.
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ảnh: Chí Cường |
Với việc các nhà kinh tế dự báo chính chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế tính trên hàng hóa nhập khẩu và chuyển dịch chuỗi cung ứng về Mỹ, theo quan điểm của vị đại diện PNJ, các ảnh hưởng sẽ không tác động ngay tới Việt Nam, mà có thể phải đến quý III/2026 mới rõ ràng. “Như vậy, trong ngắn hạn, 2025 sẽ là năm thuận lợi với nền kinh tế Việt Nam”, vị doanh nhân chia sẻ.
Theo đó, ông dự đoán Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất, vốn đầu tư FDI ra khỏi Trung Quốc. Một số lĩnh vực có thể hưởng lợi từ làn sóng này như logistics, khu công nghiệp, bán lẻ…Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản sẽ ấm dần lên nhờ những cải thiện trong thủ tục pháp lý.
Trái ngược với ông Lê Trí Thông, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhìn nhận 2025 là năm khó khăn, buộc doanh nghiệp Việt phải biết tìm “cơ” trong “nguy”.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế cho anh em, rằng 2025 là năm khó khăn bằng cả 2023 và 2024 cộng lại”, ông Khoa nói.
Trong bối cảnh đó, đại diện FPT nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thì phải bắt tay cùng nhau, hình thành một hệ sinh thái để cùng nhau dẫn dắt, tạo thành các “doanh nghiệp dân tộc”. Thay vì cái gì cũng tự làm, làm tranh của người khác hay “trâu buộc ghét trâu ăn”, các doanh nghiệp phải cùng liên kết, hợp tác với nhau.
Ông Khoa lấy ví dụ nếu FPT nhận một dự án quốc tế, doanh nghiệp sẽ chia lại các phần liên quan cho doanh nghiệp nhỏ trong hệ sinh thái, với nguyên tắc không cạnh tranh và “nuốt chửng” sản phẩm của họ.
Gia tăng sức mạnh nhờ công nghệ
Dù nhìn nhận bức tranh năm 2025 ở những góc độ khác nhau, nhưng cả hai vị doanh nhân đều đồng tình rằng công nghệ là yếu tố cần phải tích hợp vào mỗi doanh nghiệp, để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. Ảnh: Chí Cường |
Ông Nguyễn Văn Khoa nói rằng nếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hàng tồn kho, ít nhất doanh nghiệp giảm 4% chi phí so với đối thủ; nếu làm tốt sẽ giảm 8%. Khi doanh nghiệp áp dụng trí tuệ nhân tạo, tỷ lệ này còn tăng lên gấp nhiều lần.
Cụ thể hơn, với công cụ ChatGPT, trong quá khứ, lãnh đạo FPT khi lên kế hoạch đi công tác Cuba, Mỹ…cần phải nhờ tới bộ phận văn phòng. Nhưng khi dùng ChatGPT, họ có thể yêu cầu công cụ tự lập kế hoạch công tác (cụ thể đi bao nhiêu ngày, chi phí rẻ nhất…), từ đó giải phóng bớt công việc cho khối văn phòng.
Ở góc độ vĩ mô, ông Lê Trí Thông lấy ví dụ từ nước láng giềng Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế thứ hai toàn cầu không phải nhờ việc trở thành “công xưởng thế giới”, mà là họ đặt cược vào Internet. Trung Quốc có những chiến lược quốc gia để phát triển lĩnh vực này và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng chính sách để phát triển.
Cả hai vị doanh nhân đều tin rằng, những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn… là công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hoạt động và tăng năng suất lao động. Thay vì lo sợ AI, doanh nghiệp nên hiểu rằng, AI chỉ hỗ trợ các công việc diễn ra thuận lợi hơn.
“Doanh nghiệp Việt Nam vẫn e ngại công nghệ. Có doanh nghiệp vẫn quản trị doanh nghiệp bằng Excel. Chúng tôi tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp, khi hỏi bài toán họ cần giải quyết là gì, họ không trả lời được. Khi hỏi nhân viên cấp dưới làm thế nào khi thiếu chi phí marketing, họ chỉ trả lời xin sếp tăng thêm chi phí mà không biết cách dùng công nghệ để giảm chi phí. Trước mắt doanh nghiệp nên cho nhân viên đi học về trí tuệ nhân tạo, cá nhân chủ doanh nghiệp nên biết sử dụng trí tuệ nhân tạo”, đại diện FPT gợi ý.
Ông cũng cho rằng muốn ứng dụng công nghệ hiệu quả, bản chất là người đứng đầu doanh nghiệp phải thực sự hiểu vấn đề của mình, hiểu về chuyên ngành, chuyên môn trong nội bộ doanh nghiệp. “Tôi khuyên thật các anh chị, đừng đi thuê mấy đội ngũ công nghệ, rồi yêu cầu họ làm cho anh chị vượt qua đối thủ. Không có đâu. Anh chị phải hiểu bài toán của mình, sau đó là dùng công nghệ để giải bài toán ấy. Công nghệ chỉ chiếm 10%, 90% còn lại là sự điều hành của các anh chị”, vị doanh nhân nhấn mạnh.
Quan điểm này của đại diện FPT nhận được sự đồng thuận từ đại diện PNJ, khi ông Lê Trí Thông cũng cho rằng, AI là một “cuộc chơi đắt đỏ” và thành công chỉ đến với những doanh nghiệp biết cách đặt ra bài toán phù hợp.
“Người đặt đầu bài không đúng sẽ không có lời giải đúng. Đây chính là câu chuyện của trí tuệ con người, không phải trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Trí Thông cho biết.
Nguồn: https://baodautu.vn/lanh-dao-fpt-pnj-du-bao-tinh-hinh-kinh-te-2025-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-d234726.html