(NLĐO) – Áp lực giao thông không phải nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn và ý thức của mỗi người mới là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề.
Ngày 24-12, Báo Tiền phong phối hợp cùng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông”.
Tọa đàm được tổ chức xuất phát từ nhiều vụ ẩu đả, hành hung người khác sau va chạm giao thông dẫn đến thương vong gây nhiều bức xúc.
Tham dự toạ đàm có ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP HCM; Thượng tá Lê Văn Hải – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP HCM (PC08); PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM; Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm – Giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân; Luật sư Trương Văn Tuấn – Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP HCM.
Xích mích nhỏ, hậu quả lớn
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại TP HCM, Trưởng ban tổ chức tọa đàm – cho biết lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nhanh, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, diện tích đường cùng các tiện ích giao thông không đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Va chạm giữa người và phương tiện cũng khó tránh, thậm chí ngày càng nhiều. Đáng lo hơn, hành xử hung hăng khi tham gia giao thông đang nghiêm trọng, gây bức xúc. Chỉ cần những xích mích nhỏ, các bên dễ xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến cãi vã hoặc ẩu đả ngay tại chỗ, vừa làm ùn tắc vừa mất mỹ quan đô thị.
Việc nhận diện nguyên nhân các xung đột, tìm giải pháp hạn chế và xây dựng văn hóa giao thông trở nên rất cấp thiết trong bối cảnh giao thông bùng nổ như hiện nay. Đây cũng là lý do báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm với chủ đề: Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
Tại buổi toạ đàm, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM đã cùng các chuyên gia tham gia thảo luận sôi nổi.
Ý thức là yếu tố cốt lõi
Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết trên thực tế có nhiều người mang theo hung khí, sẵn sàng hành hung người khác.
Ông Tuấn chia sẻ mỗi lần nhận cuộc gọi từ phòng công tác sinh viên, đặc biệt vào đêm khuya, ông đều lo lắng về tai nạn hay rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của sinh viên, nhất là khi tham gia giao thông.
Hiện tại, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM chưa ghi nhận trường hợp sinh viên bạo hành hay gây gổ trong giao thông. Tuy vậy, sinh viên mặc đồng phục nhà trường thường yếu thế hơn nếu xảy ra va chạm. Ông quan ngại cho các em, đặc biệt là tân sinh viên nhưng qua chia sẻ thực tế, sinh viên đã giữ thái độ nhã nhặn khi tham gia giao thông. Ý thức và sự điềm đạm có thể giúp tránh những tình huống không mong muốn.
Ông Tuấn nhấn mạnh hậu quả của những cuộc ẩu đả sau va chạm giao thông người thiệt hại đầu tiên là người trực tiếp tham gia vụ việc. Nếu xảy ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là không gì bù đắp được.
Hầu hết sinh viên đang được bố mẹ nuôi dưỡng, kinh phí chỉ đủ trang trải mỗi tháng. Nếu sự vụ va chạm xảy ra, các em sẽ bị xử lý với các mức xử phạt cụ thể, điều đó ảnh hưởng đến kinh tế của bản thân, gia đình.
Va chạm giao thông nếu không nhanh chóng giải tỏa hiện trường sẽ gây kẹt xe, ảnh hưởng đến mọi người, khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc, ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Ý thức và văn hóa của mỗi người, mỗi sinh viên sẽ góp phần tránh được các hệ lụy.
Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm – Giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân nhận định áp lực giao thông chỉ là yếu tố khách quan, không phải nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn sau va chạm. Ý thức của mỗi người tham gia giao thông mới là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề.
Nhiều trường hợp phát sinh từ tâm lý cá nhân, như mang theo buồn bực cá nhân khi tham gia giao thông “giận cá chém thớt”, thiếu kỹ năng ứng xử hoặc muốn thể hiện bản thân… dẫn đến hành vi thiếu văn minh.
Do đó, người tham gia giao thông cần kiềm chế cảm xúc, giảm cái tôi, đặt mình vào vị trí người khác trong tình huống va chạm. Nếu chứng kiến va chạm, hãy hành xử văn minh và khéo léo hòa giải, hoặc liên hệ cơ quan chức năng khi cần. Sau va chạm, đảm bảo an toàn, tránh đứng gần hay tranh luận để giảm nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, tránh mất thời gian, gây ảnh hưởng xấu đến tài sản và tính mạng.
Văn hoá xin lỗi là biện pháp hoà giải tốt nhất
Thượng tá Lê Văn Hải – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP HCM (PC08) nhìn nhận TP HCM có lưu lượng phương tiện rất đông nên ý thức tham gia giao thông cũng phải được nâng cao hơn hết.
Các vụ việc va chạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, đầu tiên Phòng Cảnh sát Giao thông sẽ tiếp nhận thông tin, tiến hành xử phạt tuỳ theo mức độ của hành vi vi phạm. Nếu trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự, đơn vị sẽ củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng để xử lý, truy trách nhiệm.
Khi có va chạm xảy ra không gây ảnh hưởng nghiệm trọng, đôi bên tự hoà giải nhẹ nhàng thì người vi phạm phải tự nhận thức và không tái phạm. Nếu không thể tự hoà giải cần phải ghi nhận bằng chứng khi cần thiết, không tự ý bỏ đi khi không có sự đồng ý của bên có liên quan sau khi va chạm.
Nếu vi phạm gây ảnh hưởng người dân nên liên hệ cơ quan chức năng giải quyết, giữ an toàn cho bản thân, không vì kích động mà hành động thiếu chuẩn mực, ứng xử kém văn minh.
“Bạo lực không giải quyết vấn đề mà chỉ khiến vấn đề thêm nghiêm trọng. Để xây dựng xã hội văn minh, giảm thiểu mâu thuẫn trong xã hội thì ý thức tham gia giao thông cần phải nâng cao và nhờ vào lời xin lỗi, phải thẳng thắn nhận lỗi nếu bản thân sai. Đừng vì một phút nóng giận, phá huỷ cả cuộc đời” – Thượng tá Lê Văn Hải nói.
Chia sẻ tại đây, Luật sư Trương Văn Tuấn – Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng hậu quả của cơn nóng giận bao giờ cũng hơn nguyên nhân tai nạn. Xe chỉ là phương tiện, nếu xem là tài sản và bảo vệ tài sản quá khích sẽ gây nhiều hệ luỵ không đáng có.
Va chạm giao thông là lỗi vô ý, phải bình tĩnh để giải quyết, không nên lấn lướt. Nên tự ý thức về văn hoá giao thông để ứng xử tốt hơn.
“Văn hoá xin lỗi rất quan trọng, xin lỗi không có nghĩa là nhận lỗi sai về mình và phải bồi thường. Đúng, sai khi xảy ra va chạm giao thông sẽ được pháp luật phân định” – Luật sư Tuấn nhìn nhận.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Tuấn cho biết pháp luật đã quy định rõ các chế tài những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế trên đường. Trong đó, có thể kể đến các hành vi “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà áp dụng xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và khung hình phạt đã được quy định rõ. Có trường hợp, khi xảy ra va chạm giao thông nhỏ lại dẫn đến hành vi “giết người”. Hành vi này có khung hình phạt cao nhất, chung thân hoặc tử hình.
Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng
Cũng tại toạ đàm, ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM cho hay TP HCM là siêu đô thị với số lượng dân cư khoảng 10 triệu người, số lượng phương tiện tăng hàng năm và tăng 7% trong năm 2024.
Trong điều kiện diện tích giao thông rất thấp, TP HCM có nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình như Metro, hầm chui, mở rộng giao lộ, hệ thống đèn, biển báo giao thông, vạch kẻ đường trước cổng trường, dải phân cách giữa các làn xe… để tăng thêm diện tích đường lưu thông và hạn chế va chạm.
Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM cũng khuyến cáo người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giải tỏa vấn đề quá tải diện tích mặt đường như hiện nay cũng như hạn chế tối đa va chạm giao thông.
Trong ý kiến của mình, Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân.
“Hiện nay, Metro đã đi vào hoạt động tại TP HCM, đây là sự lựa chọn thông minh của người dân, nhất là đối với các bạn sinh viên với nhiều ưu điểm như giá vé rẻ, di chuyển vừa thoải mái vừa nhanh, có nhiều trải nghiệm ngắm đường phố, an toàn khi hạn chế xảy ra va chạm giao thông một cách tối đa” – Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm gợi ý.
Mở rộng, nâng cao nhận thức
Theo Thượng tá Lê Văn Hải, công tác tuyên truyền của PCO8 về văn hoá giao thông có nhiều nội dung. Trong đó, tập trung đánh giá vụ việc, phân tích xu hướng, nguyên nhân, đối tượng và phương tiện va chạm. Ngoài ra, phối hợp với cơ quan truyền thông, báo đài, và tham mưu cho chính quyền TP HCM nhằm giảm vi phạm giao thông, hạn chế tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng.
Đồng thời, mở rộng nhận thức thông qua trường học, doanh nghiệp, cơ quan hành chính bằng các hình thức tuyên truyền như phát thông điệp qua báo đài, truyền hình, và xây dựng video ngắn trên mạng xã hội để lan tỏa rộng rãi.
Tổ chức giáo dục, tập huấn kết hợp với nhà trường, hướng dẫn trẻ em và thanh niên phòng tránh xung đột giao thông.
Nguồn: https://nld.com.vn/nghe-chuyen-gia-chia-se-ve-van-hoa-ung-xu-khi-tham-gia-giao-thong-196240923125648732.htm