(LĐXH) – Mua bán người được xếp là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người.
Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Diễn biến của tội phạm mua bán người thời gian gần đây cho thấy ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu thiếu kiến thức, kỹ năng.
Diễn biến phức tạp
Trần Ngọc Hoàng, 29 tuổi, quê Đồng Nai, là vũ công của các chương trình ca múa nhạc. Hoàng kể rằng nhận được tin nhắn của một ông chủ khách sạn ở Campuchia đề nghị sang tham gia show diễn và được trả tiền khá hậu hĩnh.
Sau lời đề nghị làm ăn trên thì có nhiều nhân viên khác kết nối, chia sẻ về cơ đồ của ông chủ, các hoạt động có thể “hốt bạc” mang về Việt Nam. Vậy rồi Hoàng đón xe sang thăm dò thị trường và được đưa ngay vào casino làm nô lệ, chát lừa đảo.
Cũng như Hoàng, dù đã trở về quê hương nhưng nhiều nạn nhân vẫn bàng hoàng, sợ hãi khi kể về quá trình bị lừa bán, bị cưỡng ép lao động, bị đánh đập dã man nơi đất khách, quê người.
Nạn nhân N ở Nghệ An kể: “Hàng ngày, họ cấp cho bọn em mỗi đứa 10 cái Facebook, mình lập xong mình tải Facebook của người khác về, lập thành Facebook của mình xong đi chào mời, nhắn các đường link cờ bạc trên hội nhóm lừa người ta vào chơi cờ bạc.
Nó áp đặt sản lượng, nếu không có khách vào chơi là bị đánh bằng dây lưng, bị phạt ăn cơm trắng, phạt tăng ca, phạt đứng nắng”.
Theo Bộ Công an, riêng 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.
Trong quý III các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, giải quyết 63 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm mua bán người. Đã điều tra xử lý 83 vụ với 240 bị can liên quan đến 269 nạn nhân mua bán người theo các tội danh được quy định.
Trong đó, tội danh mua bán người chiếm 46 vụ, 110 bị can và 149 nạn nhân; mua bán người dưới 16 tuổi chiếm 37 vụ án, 130 bị can và 120 nạn nhân. Đã khởi tố mới 32 vụ án với 92 bị can.
Qua thống kê, trong số 269 nạn nhân bị mua bán, không có nạn nhân là người nước ngoài. Nạn nhân là nam giới chiếm 37,55%, nữ giới chiếm 62,45%; dưới 16 tuổi chiếm 43,87%, từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm 14,13%, trên 18 tuổi chiếm 42%. Nạn nhân bị mua bán trong nội địa chiếm 59,48%, trong đó có 61 trẻ sơ sinh.
88% tội phạm mua bán người có tổ chức
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người cũng có những chuyển biến rất lớn và ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ các nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao… để lừa bán ra nước ngoài.
Các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài qua mạng để làm việc trong các nhóm lừa đảo tại Campuchia, khu vực Tam Giác Vàng, bị bán làm vợ bất hợp pháp tại Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc làm gái mại dâm tại các nước Trung Đông như Qatar, UAE… và các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Myanmar.
Hiện nay hoạt động của các đối tượng này chỉ chiếm khoảng 12% là hoạt động đơn lẻ, còn lại 88% là có tổ chức.
Thủ đoạn tinh vi và đặc biệt nguy hiểm của chúng thể hiện ở chỗ tất cả các hành vi được liên kết chặt chẽ, từ người nhắn tin, người tuyển dụng lao động, người tiếp xúc, người tung tin về thu nhập khủng từ 30 – 40 triệu đồng/tháng, đến người đưa đón, người tìm cách móc nối để đưa nạn nhân vượt biên sang nước ngoài.
phạm tội chủ yếu là các đối tượng lưu manh, chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người. Các đối tượng người nước ngoài thường thông qua các công ty kinh doanh, du lịch, móc nối, câu kết với “cò mồi”, môi giới người Việt Nam, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Một số từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi quay trở về Việt Nam đã dụ dỗ, lừa bán người khác để kiếm lợi; chúng còn lừa bán hàng xóm, bạn bè, thậm chí là người thân trong gia đình.
Bọn buôn người đã triệt để lợi dụng công nghệ cao để lôi kéo dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, tài khoản ảo, bằng chiêu trò kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài giàu có…
Sau đó, các đối tượng tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cảnh báo: “Tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Bởi nó xuất phát từ thủ đoạn đánh vào tâm lý, nhận thức của nhân dân còn hạn chế.
Việc nhẹ lương cao, thiên đường nơi xứ người thường là mồi nhử. Vì thể mỗi người dân phải nâng cao nhận thức về xã hội, về công việc. Không có việc nhẹ, lương cao, không có cái gì miễn phí cả. Phải chăm chỉ trong cuộc sống, chúng ta phải lao động và yêu mến quê hương. Quê hương là nơi chúng ta gắn bó, không ở đâu là thiên đường cả”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết mỗi người dân cần cảnh giác, tự bảo vệ chính mình và người thân, cần tham khảo ý kiến của mọi người trong gia đình và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
Đặc biệt, các bạn trẻ cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc người quen đi làm xa trở về, hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn, tìm hiểu kỹ trước những lời hứa hẹn tìm giúp việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình; thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ.
Minh Châu
Báo Lao động và Xã hội số 154
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/canh-giac-voi-1-trong-4-loai-toi-pham-nguy-hiem-nhat-20241224100303920.htm