(ĐCSVN) – Cục Viễn thám quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về công nghệ viễn thám; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.
Ảnh minh họa: Thủy Nguyễn |
Đó là chia sẻ của ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT) về kết quả việc triển khai Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Phóng viên (PV): Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai Chiến lược, chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã tạo ra hành lang pháp lý và định hình không gian phát triển dài hạn cho lĩnh vực viễn thám.
Chiến lược đã xác định mục tiêu cho 2 giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2040, với 6 nhiệm vụ, giải pháp và 9 chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư. Chiến lược có phạm vi và đối tượng triển khai rộng trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong tổng thể các chiến lược phát triển chung của ngành TN&MT, ngành khoa học công nghệ và lĩnh vực không gian vũ trụ.
Sau 5 năm triển khai Chiến lược, một số mục tiêu trong giai đoạn đầu đã đạt được, 7/9 chương trình, đề án đã được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang trong giai đoạn triển khai. Kết quả đạt được cho thấy, Chiến lược đã thể hiện được hiệu quả, tác động đến sự thay đổi nhận thức, hành động của hệ thống cơ quan quản lý cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thúc đẩy phát triển ứng dụng viễn thám.
Nổi bật là, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực viễn thám đã được đẩy mạnh. Các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực viễn thám được ban hành với 1 Nghị định về hoạt động viễn thám và hơn 20 thông tư hướng dẫn đã đưa các hoạt động viễn thám vào nề nếp và thúc đẩy ứng dụng viễn thám ra nhiều ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đã hình thành được các tổ chức quản lý nhà nước về viễn thám từ trung ương tới địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám ở trung ương là Bộ TN&MT, cơ quan thực thi là Cục Viễn thám quốc gia. Ở các địa phương là các Sở TN&MT.
Một kết quả nổi bật nữa của việc triển khai Chiến lược là chúng ta đã bước đầu làm chủ được công nghệ chế tạo, tích hợp vệ tinh viễn thám. Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu chế tạo thành công các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ, điển hình là đưa lên quỹ đạo các vệ tinh MicroDragon và NanoDragon.
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật về viễn thám ở nước ta đã được hình thành đầy đủ từ vệ tinh viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh, trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám. Các trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám đã có khả năng đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng trong nước, từ dữ liệu độ phân giải trung bình và thấp phục vụ cho mục đích nghiên cứu khí hậu, thiên tai đến các dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao, siêu cao.
PV: Bên cạnh những kết quả nổi bật đó, trong quá trình triển khai thực hiện, đã có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc: Thời gian qua, triển khai Chiến lược, mặc dù chúng ta đã hình thành được hệ thống quản lý nhà nước về viễn thám, việc phát triển ứng dụng viễn thám được các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh, tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hành lang pháp lý về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức trong quản lý phát triển ứng dụng viễn thám vẫn chưa đầy đủ, là một trong những hạn chế lớn cho công tác quản lý và thúc đẩy phát triển viễn thám từ Trung ương tới địa phương.
Qua làm việc với một số Sở TN&MT về công tác quản lý nhà nước về viễn thám, nguồn nhân lực quản lý và ứng dụng viễn thám cũng như các nhiệm vụ ứng dụng viễn thám trên địa bàn các tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hầu hết việc ứng dụng viễn thám chỉ được triển khai với quy mô nhỏ, phạm vi ứng dụng hẹp tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực về viễn thám gần như chưa có, tại một số Sở TN&MT chỉ có 1 cán bộ phụ trách công tác viễn thám nhưng không được đào tạo cơ bản về viễn thám.
Một hạn chế nữa là mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống hoàn chỉnh các trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, trạm thu dữ liệu viễn thám với ít nhất hai trạm cho một nhiệm vụ điều khiển vệ tinh cũng như thu nhận dữ liệu viễn thám. Tuy nhiên, các trạm thu ở nước ta không được liên kết thành mạng lưới thống nhất. Các trạm thu độc lập với nhau về nhiệm vụ và mục đích sử dụng. Điều này dẫn đến các trạm thu không thể hỗ trợ, tương tác với nhau để tăng hiệu quả sử dụng cũng như giảm chi phí.
Ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia. (Ảnh: Thủy Nguyễn) |
PV: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Chiến lược phát triển viễn thám đề ra, cơ sở dữ liệu viễn thám đóng vai trò then chốt. Vậy Cục Viễn thám quốc gia đã có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu viễn thám, thưa ông?
Ông Trần Tuấn Ngọc: Thời gian qua, Bộ TN&MT phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Các biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT với các bộ, ngành trong chia sẻ, cung cấp cơ sở dữ liệu các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến, quá trình hình thành và sử dụng, khai thác của các đối tượng góp phần quản lý và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai dự án xây dựng “Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia”. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ lưu trữ toàn bộ dữ liệu, sản phẩm ảnh viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám của các bộ, ngành, địa phương giao nộp về Cục Viễn thám quốc gia theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia dự kiến hoàn thành vào năm 2024 và được đưa vào vận hành bắt đầu từ năm 2025.
Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, Cục Viễn thám quốc gia đang tích cực tiến hành phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương. Khi các trạm thu này đi vào hoạt động sẽ tăng cường hiệu quả ứng dụng ảnh viễn thám, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết.
Đặc biệt, Cục Viễn thám quốc gia cũng đẩy mạnh việc phổ biến dữ liệu viễn thám cho địa phương với giá thành rẻ, mở rộng thêm một số đối tượng được cung cấp miễn phí. Cục sẽ hỗ trợ tư vấn trong ứng dụng viễn thám ở các địa phương. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá công nghệ viễn thám, giới thiệu về công nghệ viễn thám; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://dangcongsan.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-va-hoat-dong-tu-phap/dua-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-manh-ve-vien-tham-687325.html